Viên chức không nên làm việc theo chế độ hợp đồng

Đời sống - Ngày đăng : 18:35, 19/06/2010

(HNMO) – Ngày 19-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật viên chức. Nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến là các vấn đề về hợp đồng làm việc, việc kéo dài thời gian làm việc của viên chức tuổi nghỉ hưu.


Viên chức Nhà nước không thể làm việc theo chế độ hợp đồng


Đại biểu Phạm Đức Châu - Quảng Trị cho rằng, viên chức Nhà nước không thể làm việc theo chế độ hợp đồng mà phải theo chế độ tuyển dụng.

“Chúng ta biết trong đơn vị hành chính sự nghiệp, đặc biệt là sự nghiệp công thì quan hệ giữa người lãnh đạo của đơn vị đó và viên chức thực chất là quan hệ hành chính, mà phương pháp điều chỉnh của nó rất khác với quan hệ hợp đồng lao động là quyền lực phục tùng, mệnh lệnh. Còn nếu như ký hợp đồng thì phương pháp điều chỉnh của nó chủ yếu là phương pháp thỏa thuận. Cho nên vấn đề này về mặt lý luận nó không đúng”, đại biểu Châu nói.

Cũng theo đại biểu Châu, bản chất của hợp đồng là thỏa thuận, trong khi đó thực chất, viên chức Nhà nước đang hưởng tất cả các chế độ đó theo quy định của Nhà nước, chứ không phải theo sự thỏa thuận của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tiễn từ năm 2003 sau khi có Nghị định 116 và thông tư hướng dẫn đến nay thì những người lao động đã làm việc trước năm 2003 không phải ký hợp đồng lao động, còn sau đó có đơn vị ký, có đơn vị không. Mà Chính phủ chưa có báo cáo nào để nói về cái được và cái không được của chế độ hợp đồng lao động làm việc của viên chức. Nhưng qua thực tế, rõ ràng viên chức rất không đồng tình với chế độ làm việc theo hợp đồng và họ cảm thấy bị phân biệt đối xử khi cùng trình độ đào tạo, khi cùng chế độ thi tuyển, xét tuyển, khi cùng làm việc nhà nước, phục vụ nhân dân.

Cùng quan điểm, đại biểu Đinh Xuân Thảo - Kiên Giang cho rằng, nếu luật này đưa ra khái niệm hợp đồng thì sẽ phải sửa một loạt văn bản pháp luật khác cho thống nhất, nếu không sẽ khó thực hiện chế độ hợp đồng đối với một số người trước đây là cán bộ, công chức, sẽ nảy sinh về mặt tâm lý như bị hạ cấp, bị mất đi vị thế pháp lý mà họ được hưởng lâu nay...

“Tôi đề nghị trong dự thảo luật cần ghi rõ quan niệm hợp đồng chỉ là quan hệ nội bộ của cơ quan giữa người sử dụng viên chức viên chức còn phải có quy định về quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp của viên chức và coi đó là căn cứ pháp lý về mặt địa vị pháp lý của viên chức trong quan hệ hành chính để thực hiện các chế độ nói chung với cán bộ, công chức của nhà nước. Ví dụ như việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ nếu để hợp đồng như quy định hiện nay chắc chắn là không được và nó sẽ liên quan đến việc bổ nhiệm, đề bạt vào các chức danh, chức vụ khác nữa. Đề nghị phải nghiên cứu thêm việc này”, đại biểu Thảo nói.

Đại biểu Trần Việt Hưng - Hoà Bình góp ý về việc ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng lao động. Đại biểu Hưng tán thành với 4 trường hợp, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức như trong dự thảo luật nhưng đề nghị bổ sung thêm một quy định là trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải trao đổi và thống nhất với Ban chấp hành công đoàn cơ sở nơi viên chức đó làm việc theo đúng quy định của Bộ luật lao động.

Về quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng phải thông báo trước bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trước đó ít nhất là 45 ngày, theo đại biểu Hưng, như vậy là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật lao động, bởi thời hạn 45 ngày như dự thảo luật quy định chỉ áp dụng đối với trường hợp hợp đồng lao động không xác định thời hạn.


Nên có quy định về kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu


Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - TP Hà Nội hoàn toàn ủng hộ việc cần phải bàn đến việc viên chức đến tuổi nghỉ hưu được tiếp tục làm việc.

“Ở đây có một sự hiểu lầm ở một số đại biểu cho rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu. Ở đây không phải kéo dài tuổi nghỉ hưu mà kéo dài thời gian làm việc khi đến tuổi nghỉ hưu. Như vậy luật này vẫn tôn trọng Luật lao động là cứ 60 tuổi là nghỉ hưu đối với nam và 55 đối với nữ”, đại biểu Đào nói.

Theo đại biểu Đào, nên khai thác toàn bộ năng lực trí tuệ của những người khi đã đến tuổi nghỉ hưu được tiếp tục làm việc và họ phải làm việc theo hợp đồng lao động 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm đối với những nghệ nhân, nghệ sĩ và những lĩnh vực đặc thù và họ ký hợp đồng với đơn vị sử dụng.

“Tôi cho chuyện đó hết sức bình thường, nhằm khai thác toàn bộ năng lực xã hội, do vậy tôi ủng hộ phương án này”, đại biểu Đào nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa - Bắc Ninh đồng tình với việc cần thiết đưa quy định này vào luật.

“Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho là không nên đặt vấn đề kéo dài thời gian làm việc với viên chức và đưa ra một lý lẽ giải thích là viên chức có quyền nghỉ hưu, tôi thấy lý lẽ này chưa thuyết phục. Bởi vì, đã gọi là quyền thì người ta có thể thực hiện và người ta có thể từ chối không nhận quyền đó”, đại biểu Hòa nói.

Tuy nhiên, để việc kéo dài thời gian làm việc của viên chức cũng được quy định một cách chặt chẽ và tránh tùy tiện, cảm tính của người đứng đầu và cũng không gây một tâm lý e ngại, ngại ngùng đối với các viên chức, nhất là đối với các viên chức nữ, đại biểu Hòa cho rằng, dự thảo cần có một quy định cụ thể, chỉ kéo dài thời gian làm việc đối với một số nhóm viên chức nhất định có trình độ chuyên môn cao hoặc có những kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Thị Sáng - Tiền Giang cũng tán thành việc kéo dài thời gian làm việc của những người có học vị và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, thực sự có tài năng, được tổ chức, đơn vị thừa nhận, đặc biệt là đơn vị đó phải thực sự có nhu cầu, viên chức phải có đơn tự nguyện và có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc.

“Tôi đề nghị luật cũng phải quy định rõ điều kiện nguyên tắc trình tự, thủ tục của việc kéo dài thêm thời gian làm việc của viên chức, chế độ, chính sách của viên chức sau khi thực hiện kéo dài thời gian làm việc, bổ sung một khoản quy định về tuổi nghỉ hưu của một số loại viên chức, chẳng hạn như viên chức trong ngành giáo dục, ngành y tế…”, đại biểu Sáng nói.

V.A