Chuyện từ 150 tờ báo, tạp chí quý hiếm
Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 19/06/2010
Khách tham quan Triển lãm Báo chí Việt Nam. Ảnh: Linh Tâm |
Tấm lòng với báo chí đất nước
Trao đổi với Hànộimới, nhà báo Phan Quang nói: "Đối với các nhà nghiên cứu thì Triển lãm báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1954 không xa lạ, nhưng với bạn đọc thì đây thực sự là một cơ hội hiếm có để có thể được tiếp cận trực tiếp với những tờ báo, tạp chí phản ánh diện mạo một thời kỳ dài của báo chí nước nhà…". Các nhà nghiên cứu còn cho biết: "Trong suốt 145 năm qua, kể từ khi tờ báo đầu tiên của nước nhà (Gia Định báo) ra đời, việc trưng bày cho công chúng một cách có hệ thống về diện mạo báo chí Việt Nam chỉ được thực hiện hai lần. Lần thứ nhất năm 1943 do nhà sách Nguyễn Khánh Đàm (em nhà văn Nguyễn Tuân) tổ chức tại Sài Gòn, lần thứ hai vào năm 1966 cũng tại Sài Gòn. Và triển lãm lần này (ngày 16-6 đến 20-6-2010) là dịp thứ ba báo chí Việt Nam đến với công chúng với những ấn phẩm tiêu biểu suốt từ thời kỳ đầu cho đến 1954".
Đáng ghi nhận là tấm lòng của muôn người đối với nền báo chí đất nước, trong đó khởi đầu là sự chung sức giữa đơn vị của Nhà nước (Thư viện Hà Nội) với các tổ chức xã hội (Diễn đàn sachxua.net và Trung tâm Ngôn ngữ - Văn hóa Đông Tây). Đây còn là bằng chứng sống động về tình cảm, sự quan tâm của các trí thức, người dân với báo chí nước nhà. Khoảng 150 đầu báo, tạp chí từ cách đây hơn nửa thế kỷ, thậm chí gần một thế kỷ, ngoài phần lưu giữ của Thư viện Hà Nội đã được các nhà sưu tập, các trí thức cung cấp thông qua Diễn đàn sachxua.net và TT Ngôn ngữ Văn hóa Đông Tây.
Cũ kỹ, ố vàng, mất góc, vương một nét chữ trên đầu báo, một dấu mờ mờ tên một tủ sách cá nhân… - đó chính là sự gồ ghề đầy xúc cảm của cuộc triển lãm tưởng như khô khan này. Có thể kể đến tờ Đăng cổ tùng báo (1907) do nhà sử học Dương Trung Quốc mang tới; những tài liệu, sổ ghi chép nhuận bút của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng do gia đình cung cấp; những tờ báo, tạp chí từ cuối thế kỷ XIX có đóng dấu các tủ sách, bộ sưu tập cá nhân…
Trải nghiệm thú vị cho người làm báo
Đúng như nhà báo Phan Quang nhận định: "Triển lãm cho chúng ta thấy báo chí cách mạng ra đời (1925) khi nền báo chí đất nước đã định hình. Nhưng trong vòng o ép của thực dân Pháp, báo chí cách mạng do Bác Hồ sáng lập đã tạo nên một con đường mới, từ đó mới có kết quả một nền báo chí hùng hậu ngày nay. Thật đáng tự hào vì nền báo chí của chúng ta tuy ra đời muộn, trong điều kiện lạc hậu (so với báo chí nhiều nước ra đời từ thế kỷ XVI) nhưng đến nay đã phát triển mạnh mẽ. Đó là nhờ trí tuệ của dân tộc Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng, sự nhiệt tình của đội ngũ trí thức. Triển lãm gợi cho chúng ta nhớ về nguồn, nhớ những ngày gian khổ, từ đó phải đinh ninh làm điều gì đó cho xứng đáng với công lao của tiền nhân".
Phần trung tâm đã được dành để trưng bày bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào (bản gốc có chữ ký của Bác) đăng Báo Cứu Quốc năm 1946, cùng ảnh Người đang đọc báo. Từ đây, tỏa ra các hướng là chân dung những cây bút có đóng góp cho báo chí đất nước, cùng hơn 100 tờ báo, tạp chí và những trang tư liệu báo chí các thời kỳ. Có thể thấy diện mạo báo chí ngay từ ngày đầu qua tờ báo quốc ngữ đầu tiên: "Gia Định báo" (số 1 ra ngày 15-4-1865) hay tờ tạp chí bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam "Thông loại khóa trình". Rồi đến báo chí cách mạng với những tờ "Tiên Phong" (Hội Văn hóa Cứu quốc), "Nhân dân"… (Đảng Lao động Việt Nam), hay "Quân đội nhân dân" (Quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam)… Những dòng chữ nhấp nhô "kể" câu chuyện về một thời kỳ in ấn nhọc nhằn của báo chí Việt Nam, những bài viết, tranh minh họa cho thấy báo chí nước nhà bộc lộ cá tính riêng ở từng ấn phẩm…
Điểm ấn tượng khác nữa là về sự phong phú của báo chí: từ báo chuyên tin tức thời sự, chính trị cho đến văn hóa, văn nghệ, rồi báo chí cho các giới, các lứa tuổi và cả báo chuyên ngành.
Qua báo chí, có thể thấy được lịch sử, tâm hồn, trí tuệ của người Việt ta!
Nền văn học thoát thai từ báo chí
Nhà văn Lại Nguyên Ân khẳng định: "Báo quốc ngữ - một kênh đưa văn học tới toàn dân". Những người yêu văn chương dễ dàng tìm thấy ở đây mảng ký ức sinh động về câu chuyện này qua hàng loạt ấn phẩm như "Đông Dương tạp chí" với vai trò tờ tuần báo mở đầu việc truyền bá văn học chữ quốc ngữ đến với công chúng. Trong đó nhà thơ nổi tiếng Tản Đà là một trong những cây bút chính. Rồi "Nam Phong" với những đóng góp to lớn trong xây dựng văn học quốc ngữ. "Tiểu thuyết thứ 7" nơi nhiều tác phẩm tên tuổi của văn học Việt Nam xuất hiện lần đầu. Đặc biệt là "Văn nghệ" với dấu ấn của những nhà văn lớn như Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Xuân Diệu… Ngoài ra, còn có thể kể ra hàng loạt tờ báo, tạp chí văn chương đã góp phần tạo nên đời sống văn nghệ sôi động của nước nhà.