Phát hiện nhanh, xử lý kịp thời
Công nghệ - Ngày đăng : 05:50, 19/06/2010
Bệnh lùn sọc đen trên lúa đang là mối nguy hại đối với người nông dân. |
Vụ đông xuân 2010, bệnh LSĐ được phát hiện sớm, ngay từ giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến đứng cái tại 28 tỉnh, thành phố (từ Khánh Hòa trở ra) với gần 29 nghìn hécta lúa bị bệnh (chiếm 2,16% diện tích gieo cấy). Các địa phương đã hướng dẫn nông dân nhổ bỏ cây bệnh, cấy dặm lại 24.682ha, phun thuốc trên diện tích 373.953ha, chủ động phòng trừ rầy môi giới truyền bệnh. Các tỉnh Thái Bình, Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định… đã chủ động phát hiện bệnh sớm nên năng suất lúa vẫn đạt trung bình từ 65 đến 70 tạ/ha.
Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo, nguy cơ bệnh LSĐ và các bệnh virus khác gây hại trên diện rộng trong vụ hè thu và vụ mùa 2010 là rất lớn, do thời gian giữa 2 vụ lúa gối nhau, do rầy mang virus từ vụ lúa đông xuân di trú, truyền bệnh… Ngoài bệnh LSĐ cũng đã phát hiện bệnh lùn xoắn lá ở tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Lai Châu.
Tiến sĩ Phạm Thị Vượng, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho rằng, để phòng chống bệnh LSĐ hiệu quả, nông dân cần làm vệ sinh tốt đồng ruộng như cày lật gốc rạ, dọn sạch cỏ dại; không gieo mạ tại khu chưa thu hoạch lúa để tránh rầy lưng trắng di chuyển sang các ruộng mạ sau thu hoạch. Phải lưu ý thời điểm xuống giống (cả lúa gieo thẳng và làm mạ), tốt nhất là sau đỉnh cao của rầy môi giới vào đèn từ 4 đến 6 ngày. Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Bùi Sĩ Doanh cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ bảo vệ thực vật vào sản xuất, ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến, bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm…
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Bùi Sĩ Doanh cho biết, bệnh LSĐ mới xuất hiện ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Ngoài cây lúa, LSĐ còn gây hại trên ngô, lúa mì, cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng. Các cây này là ký chủ của rầy lưng trắng và cũng là nguồn chứa virus để rầy lưng trắng truyền sang cây lúa. Đây là loại bệnh mới nên thông tin, kiến thức, biện pháp phòng trừ, năng lực hệ thống phân tích giám định còn hạn chế. Đặc biệt là giống lúa nhiễm rầy còn gieo trồng phổ biến; do điều kiện sản xuất nên chưa áp dụng được biện pháp gieo, cấy tránh né cao điểm của rầy… khiến dịch bệnh phát triển. |