Chất lượng giống
Kinh tế - Ngày đăng : 05:42, 19/06/2010
"Sau khi lỗ bạc tỷ về giống rởm và đất sử dụng không hiệu quả, do 2 lần thất bại do trồng giống ổi Đông Dư và xoài Thái, lần này tôi sẽ cẩn trọng, cất công đi tìm hiểu thực tế để chọn giống cây ăn quả về chuyển đổi chuyên canh 1 mẫu đất ở khu vực gò Đống. Bưởi Diễn cũng "ăn" đấy nhưng người ta trồng nhiều quá rồi nên tôi sẽ trồng nhãn muộn". Nghe ông Hạnh nói vậy, anh Tuấn chia sẻ: "Không chỉ nhà ông đâu, bà con nhiều người đã mua phải giống cây ăn quả rởm. Ở xã bên có hộ phải chặt bỏ cả một vườn 5 sào trồng xoài Thái do chất lượng giống xấu. Mình đi mua thì người bán cam kết giống xịn, khi về trồng, chăm bón mấy năm trời cây cứ cao lêu đêu, quả ít, ăn chua".
Rồi anh Tuấn cho biết kinh nghiệm của mình: "Muốn có giống chuẩn, cứ phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc rồi mới mua, vì thế một mẫu cam Canh của nhà tôi trồng 6 năm nay quả vừa sai, vừa ngon, giờ cứ yên tâm thu hoạch". Chuyện nhà nông vì ham của rẻ, mua phải giống trôi nổi, đem về trồng và chăm sóc, sau thấy không hiệu quả đành phá bỏ không phải là hiếm. Thực tế trên địa bàn huyện Chương Mỹ có đến 50% số hộ trồng cây ăn quả, ít nhất cũng một, hai lần mua phải giống rởm, thiệt hại rất lớn. "Này, nghe nói Chính phủ đã chủ trương cho nhiều công ty kinh doanh nhập giống cây trồng từ nước ngoài có chất lượng cao, nhưng sao bà con ta vẫn mua phải giống rởm nhỉ?" - Anh Tuấn đặt câu hỏi.
Câu chuyện trên cho thấy, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần xem xét lại quy trình nghiên cứu giống cây trồng từ giống lúa đến giống cây ăn quả để có bước đi hiệu quả, hạn chế thiệt hại cho nông dân ngay từ khâu ban đầu này. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao.