Xem xét khởi kiện vụ Vedan “đầu độc” sông Thị Vải
Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 18/06/2010
Vedan vẫn cù cưa!
Ngày 17-6, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp với các cơ quan, ban, ngành để đánh giá tính pháp lý và sự đồng thuận xem có nên kiện Vedan ra tòa án hay không. Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cho biết, mức độ thiệt hại của Vedan gây ra cho bà con nông dân ở xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) đã được Viện Môi trường và Tài nguyên (thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) phối hợp với Viện Hóa học, các cơ quan nghiên cứu khoa học và bà con nông dân ở địa phương bị thiệt hại xác định là hơn 45,7 tỷ đồng.
Ngày 8-6, Công ty Vedan đã có văn bản gửi UBND TP, theo đó Vedan tính toán giá trị hỗ trợ cho nông dân huyện Cần Giờ bị ảnh hưởng do hành vi xả thải của mình là 1,781 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này cho rằng "Vì muốn duy trì mối quan hệ thân thiện với nông dân địa phương và hy vọng vụ việc có thể nhanh chóng giải quyết tốt đẹp, nên công ty đề nghị giá hỗ trợ vẫn căn cứ theo lời hứa trước đây là 7 tỷ đồng"! Theo ông Phụng, Vedan đã không có thiện chí bồi thường theo thiệt hại mình gây ra mà còn có vẻ… ban ơn khi cho rằng thiệt hại có 1,781 tỷ đồng nhưng đồng ý "hỗ trợ" đến 7 tỷ đồng!
Trong công văn xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 7-6, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cũng đánh giá rằng, thái độ và tinh thần trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại cho người dân của Công ty Vedan chưa thật sự nghiêm túc. Điển hình là ngày 1-6 vừa qua, Vedan có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị hỗ trợ số tiền 10 tỷ đồng. Trong khi trước đó, ngày 27-5-2010 Vedan đã ký biên bản cuộc họp với Viện MT&TN thừa nhận số tiền thiệt hại phải bồi thường theo tính toán của Vedan là 31.914.500.287 đồng (số tiền Viện MT&TN đánh giá là 53.619.640.206 đồng).
Sẵn sàng khởi kiện!
Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, Vedan có đề nghị lấy mức trung bình theo đánh giá của hai bên làm cơ sở tính toán đền bù thiệt hại, tuy nhiên Hội Nông dân TP không đồng ý cách tính như vậy và đề nghị giữ nguyên các tỷ lệ gây ô nhiễm do Viện MT&TN đánh giá. TS Bùi Tá Long, Viện phó Viện MT&TN cho rằng, không thể có một con số khác hơn con số đã đánh giá, vì viện đã làm trong 9 tháng với những phương pháp khoa học hết sức chặt chẽ. Nếu Vedan không đồng ý con số này, TS Long cho rằng nên kiện Vedan ra tòa án và sẽ hỗ trợ nông dân các phần mềm tính toán để chứng minh những thiệt hại Vedan gây ra. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó GĐ Sở TN&MT TP và đại diện Sở NN&PTNT cũng cho rằng ra tòa là giải pháp tốt nhất trong tình trạng Vedan cứ cù cưa như hiện nay.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), trực tiếp tư vấn cho Hội Nông dân TP trong vụ Vedan cho biết, theo quy định tại điều 159 Bộ Luật tố tụng dân sự, thời hạn khiếu kiện yêu cầu bồi thường là 2 năm, vì vậy đến tháng 9-2010 sẽ hết thời hạn (Vedan bị bắt quả tang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải vào ngày 8-9-2008). Vì vậy, trong tháng 7 phải quyết định khởi kiện. Với thông tin cho rằng, để khởi kiện đòi bồi thường số tiền 107 tỷ đồng thì nông dân phải chịu án phí là 2,2 tỷ đồng (5%) và số tiền này vượt quá giới hạn của người nông dân đi kiện, luật sư Hậu khẳng định không đúng. Theo luật sư, tòa đã quy định với những vụ án dân sự từ 4 tỷ đồng trở lên thì mức án phí sẽ là 112 triệu đồng × 0,1% giá trị số tiền vượt mức. Theo tính toán này, thì tiền án phí phải đóng cho 107 tỷ đồng là 153 triệu đồng. Tiếp đó, tòa án quy định phí dân sự được tạm ứng 50%, vì vậy số tiền cần phải đóng là 76,5 triệu đồng chứ không phải 2,2 tỷ đồng. Về tòa án khởi kiện, có thể khởi kiện tại Tòa án huyện Cần Giờ, nơi xảy ra thiệt hại hoặc nơi bị đơn có trụ sở là Đồng Nai. Hội sẽ đưa mẫu cho từng nông dân bị thiệt hại khởi kiện, sau đó bà con sẽ làm đơn ủy quyền cho Hội Nông dân thay mặt khởi kiện tập thể.
Ông Văn Phụng cho biết, sau cuộc họp này sẽ có bản báo cáo Thành ủy, UBND TP xin ý kiến về việc khởi kiện Vedan.
TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Công ty Vedan bồi thường cho 839 hộ dân bị thiệt hại với số tiền là 45,74 tỷ đồng/107 tỷ đồng thiệt hại. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu bồi thường cho 1.255 hộ dân 53,619 tỷ đồng/216,8 tỷ đồng thiệt hại. Riêng tỉnh Đồng Nai, người dân tự kê khai và Sở TN&MT thống kê là 5.064 hộ dân bị thiệt hại số tiền 1.601 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Vedan chỉ đồng ý "hỗ trợ" cho 3 tỉnh, TP bị thiệt hại là 32 tỷ đồng (Đồng Nai 15 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 10 tỷ đồng và TP Hồ Chí Minh là 7 tỷ đồng). Trước đó, công ty này chỉ đồng ý "hỗ trợ" 25 tỷ đồng. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết đã sẵn sàng tiến hành các thủ tục khởi kiện Vedan. |