Trị bệnh từ gốc

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:56, 18/06/2010

(HNM) - Thời tiết cả nước những ngày qua nóng khác thường. Ở các thành phố, khỏi bàn đến cái nóng do "ông trời" đem lại, chỉ những chuyện mất điện, mất nước, ngộp thở vì khói mù, nhức đầu vì mùi hôi của cống rãnh, inh tai vì tiếng nổ của ô tô, xe máy… đã đủ khiến sự bức bối hội đủ yếu tố cần thiết để càng bức bối thêm.

Ngửa mặt lên trời, cúi đầu xuống đất đâu cũng thấy ô nhiễm. Thế nên, mới có 6 tháng đầu năm, lực lượng phòng, chống tội phạm về môi trường đã phát hiện và xử lý tới 3.600 vụ, việc vi phạm về môi trường, tăng 270% so với cùng kỳ năm 2009. Đặc biệt, trong số này có đến hơn 90% vụ vi phạm do xả nước thải không qua xử lý, xả khí độc hại gây ô nhiễm môi trường.

"Liếc" qua 171/223 khu công nghiệp trên cả nước đã đi vào hoạt động mới biết chỉ có chưa đến 50% trong số này có hệ thống xử lý nước thải, số còn lại tuy có nhưng hoạt động không hiệu quả. 70% số nước thải vẫn được đổ thẳng ra môi trường (tức 700.000m3/1 triệu m3/ngày chưa qua xử lý đổ ra môi trường). Một số tổ chức quốc tế và cơ quan chuyên môn ước tính, nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, thiệt hại về ô nhiễm môi trường ở nước ta mỗi năm có thể lên đến 5,5% GDP và phải tiêu tốn ít nhất 780 triệu USD vì vấn đề sức khỏe cộng đồng. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, Việt Nam phải chi đến 2,5 tỷ USD/năm mới có thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.

Cả nước đã vậy, còn Hà Nội? Chưa bàn đến ô nhiễm không khí, tiếng ồn, khói bụi độc hại…, thời gian qua chỉ riêng tình trạng các sông, hồ như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cà Lồ, hồ Tây, hồ Trúc Bạch… tình trạng ô nhiễm đã ở mức báo động. Chỉ xem kết quả quan trắc mẫu nước thải tại sông Đáy đã cho biết chỉ số COD vượt tiêu chuẩn 2,4 lần, NH4 vượt 4 lần, BOD5 vượt 4,4 lần. Chuyện các cụm công nghiệp, làng nghề như Phú Minh, Xuân Đỉnh, Phú Đô…, đầu độc Nhuệ Giang dường như đã trở thành "chuyện thường ngày của dòng sông".

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng cảnh sát môi trường Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và xử lý 527 vụ, việc vi phạm các quy định bảo vệ môi trường.

Gần 20 năm qua, vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta hầu như chưa được quan tâm thỏa đáng. Cho đến khi, tất cả các dòng sông đều ô nhiễm, chúng ta mới giật mình, thì hậu quả cũng đã ập đến.

Năm 2005, Nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường. Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường, Luật Thuế bảo vệ môi trường là cần thiết, nhưng nặng về yếu tố xử lý và được coi như chính sách tài chính mới của chúng ta. Vì vậy, những vụ vi phạm đầy tai tiếng như Vedan, Tung Kuang, Công ty CP Đường Quảng Ngãi…, vẫn chưa có hồi kết.

Xem ra, các cơ quan chức năng hầu như đang chủ yếu chỉ chạy theo để xử lý nạn gây ô nhiễm môi trường chứ không thấy đón đầu phòng ngừa từ gốc! Xin hãy trị bệnh từ gốc, đừng để con bệnh phát nặng mới chặt cành, tỉa lá…

Nguyễn Hòa Bình