Những trái tim đồng cảm cùng thí sinh

Xã hội - Ngày đăng : 08:06, 16/06/2010

(HNM) - Theo Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có 30 nghìn chỗ trọ miễn phí và giá rẻ đăng ký phục vụ thí sinh dự thi đại học, cao đẳng năm 2010. Trong những ngày tới, trung tâm tiếp tục vận động thêm với hy vọng đáp ứng đủ chỗ ở cho cả thí sinh và phụ huynh.

Tập huấn cán bộ đoàn viên thanh niên tình nguyện.


Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2010 này, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận khoảng 200 nghìn thí sinh đến từ các tỉnh, thành khác. Trong lúc nhiều nhà trọ, hàng quán coi đây là cơ hội kiếm tiền, thì vẫn có những con người sẵn sàng mở rộng cửa đón thí sinh vào trọ miễn phí trong nhà mình. Từ nhiều năm qua, căn nhà nằm trong con hẻm nhỏ của đường Lê Văn Thọ (phường 9, quận Gò Vấp) của anh Nguyễn Tuấn đã trở thành "chiếc phao cứu sinh" cho không biết bao nhiêu thí sinh và phụ huynh. Anh Tuấn cho biết, năm nay căn nhà của anh còn dư 2 tầng nên sẽ dành 6 chỗ trọ miễn phí cho các em, nhưng nếu nhu cầu tăng cao, anh sẵn sàng nhường thêm một số phòng của gia đình để các thí sinh ở chung. "Đa số các thí sinh từ tỉnh lên đều có hoàn cảnh khó khăn, mình sao nỡ lấy tiền tụi nó, giúp được các em cũng là niềm vui rồi. Tôi nghĩ, mình có điều kiện thì giúp các em, mà đã giúp thì không nên nghĩ đến chuyện báo công, thành tích. Xã hội mà ai cũng nghĩ đến cho thuê, cho mướn thì lấy ai giúp các thí sinh trong những lúc cơ nhỡ" - anh tâm sự.

Cả khu chợ Xóm Mới, ai cũng biết bà Cao Thị Oanh (ngụ tại số 26/296C đường Thống Nhất, phường 15, quận Gò Vấp), người phụ nữ từng đi khắp nơi xin tiền mổ mắt cho các bệnh nhân nghèo, xây giếng và cất nhà cho người dân vùng sâu, vùng xa. Kỳ thi tuyển sinh năm trước, bà đã dành gần 100 chỗ trọ miễn phí cho các thí sinh dự thi. Trong đợt tuyển sinh năm nay, bà Oanh tiếp tục dành 200 chỗ trọ miễn phí. Bà cho biết, nếu nhà chật, không đủ chỗ sẽ mượn thêm nhà của một số người quen để có thêm chỗ trọ cho thí sinh. Do điều kiện cuộc sống của bà không khá giả nên để lo cho các thí sinh bà phải đi xin cơm chay khắp các nơi. Nếu thí sinh không ăn được cơm chay, bà vận động phụ huynh đóng tiền mua thức ăn, còn mình sẽ cung cấp gạo.

Ngót nghét chục năm tham gia chương trình tiếp sức mùa thi, bà Đỗ Thị Thu (ngụ 16 Bà Hom, quận 6) không nhớ hết đã giúp đỡ bao nhiêu thí sinh và phụ huynh. Không chỉ lo cho các em miếng ăn, giấc ngủ mà bà còn tìm hiểu tường tận hoàn cảnh từng người. Có lần, một thí sinh người dân tộc thiểu số từ Lâm Đồng xuống thi vào Trường Cao đẳng Phú Lâm, không nắm được giá cả sinh hoạt ở đây, hơn nữa gia đình cũng khó khăn nên thí sinh này mang rất ít tiền. Mặc dù được bà lo cho 2 bữa cơm, nhưng sáng cũng không đủ tiền để ăn. Mỗi sáng thí sinh này chỉ dám ra ăn ổ bánh mì không, biết thế bà đến nói với chủ bán bánh mì cứ bỏ thịt, rau đầy đủ, cháu trả bấy nhiêu thì cứ lấy, còn thiếu bao nhiêu thì để đó bà trả. Đối với các thí sinh, nhiều chủ nhà trọ còn quý mến, yêu thương như đứa con trong gia đình. Bà Thu cho biết, cách đây 5 năm, có 3 em thí sinh ở trọ trong nhà, vừa thi xong thì bị bệnh, một mình bà phải vừa đưa các em đi viện, vừa nấu cháo dỗ dành các em ăn. Nhiều em sợ làm phiền bà, cứ đòi về quê, nhưng bà không cho vì đang bệnh. Bởi bà luôn coi các em như con, ốm thì chăm sóc chứ không nề hà gì cả.

Tận tâm, tận lực giúp thí sinh thực hiện hoài bão của mình trước giảng đường đại học không đơn thuần chỉ là lòng nhân ái, nghĩa đồng bào. Nghĩa cử cao đẹp của các bà, các mẹ, các anh, các chị chắc chắn sẽ gieo vào lòng lớp trẻ tinh thần hướng thiện và khát khao cống hiến vì cộng đồng - một giá trị tinh thần vô cùng quý báu.

Hồ Văn