Thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu: Không hợp lý, thiếu công bằng

Đời sống - Ngày đăng : 07:34, 16/06/2010

(HNM) - Dự kiến, cuối tháng 6-2010 đề án thu phí cho Quỹ bảo trì đường bộ sẽ được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chính thức trình Chính phủ xem xét. Nếu đề án này được thông qua, từ ngày 1-7-2010, người điều khiển phương tiện khi mua xăng sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ là 1.000 đồng/lít, xe chạy dầu sẽ phải đóng từ 100-800 đồng/km lăn bánh.

Ông Hoàng Nguyên Khánh - Giám đốc một doanh nghiệp vận tải: Giá thành vận tải sẽ "lên trời"...
Công ty tôi có 90 đầu xe, hầu hết là xe tải siêu trường siêu trọng, xe chở container, thường xuyên chở hàng từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội và ngược lại. Qua theo dõi, mỗi tháng chúng tôi tiêu thụ khoảng 120.000 lít dầu diezel và 400 lít xăng, chi phí lên đến gần 2 tỷ đồng. Trung bình một chuyến chạy Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, một xe chở container tiêu thụ khoảng 1.500 lít dầu diezel và chi phí hết 3,4 triệu vé cầu đường.

Nếu theo đề xuất mới của Bộ GTVT, với mức thu phí bảo trì đường bộ 800 đồng/km, thì mỗi chiếc xe container, doanh nghiệp phải "cõng" thêm khoảng 3 triệu đồng. Tính sơ sơ, với tổng số 90 đầu xe, số tiền phụ phí mà chúng tôi phải chi cho việc "bảo trì đường bộ" sẽ lên đến gần 300 triệu đồng/tháng, ảnh hưởng rất lớn  đến doanh thu của doanh nghiệp. Điều vô lý là ở chỗ, hiện nay mỗi xe container chạy tuyến Bắc - Nam đã phải đóng trên 800.000 đồng phí giao thông qua giá dầu, nếu tiếp tục đóng thêm phí bảo trì đường bộ như đề án sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng lên phí. Theo tôi, nếu đề án của Bộ GTVT được thực hiện thì các doanh nghiệp vận tải sẽ gặp vô vàn khó khăn vì giá thành bị đẩy lên quá cao, khách hàng không thể chấp nhận và không ít doanh nghiệp sẽ phải "đắp chiếu" phương tiện...

Ông Nguyễn Đức Đặng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Đại Thắng (Thanh Trì - Hà Nội): Bất cập: Phí chồng lên phí
Với khoảng 100 đầu xe từ 12 ghế trở lên, mỗi tháng công ty tôi chi phí gần 1 tỷ tiền mua dầu, một số tiền không nhỏ. Nếu đề án mới của Bộ GTVT được Chính phủ thông qua, trung bình mỗi kilômét lăn bánh, một chiếc xe chở khách của công ty phải chịu thêm từ 150 đồng đến 220 đồng phí bảo trì đường bộ, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị "móc túi" hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Chưa kể, khi triển khai việc thu phí, các phương tiện sử dụng dầu diezel sẽ phải gắn một thiết bị tính phí ở trục xe, có đồng hồ hiển thị ở ca-bin để đo số kilômét phương tiện tham gia giao thông.

Theo Luật Giao thông đường bộ, đến ngày 1-1-2012 các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Như vậy, thiết bị cũ còn chưa được lắp đặt, nay lại thêm một thiết bị mới sẽ làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Mặt khác, khi thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, Bộ GTVT cũng đề nghị xóa bỏ các trạm thu phí Nhà nước, song thực tế trong tổng số 95 trạm thu phí đường bộ, phần lớn là trạm thu phí BOT của nhà đầu tư, do đó mức phí cầu đường nếu được giảm là không đáng kể. Như vậy, doanh nghiệp vận tải vừa phải chịu phí cầu đường, vừa chịu phí bảo trì đường bộ thu qua xăng, dầu. Đây là điều bất cập!...

Ông Bùi Đức Thắng (cán bộ nghỉ hưu ở Đức Giang - Long Biên): Ai bảo đảm đường sá sẽ tốt hơn?
Theo lý giải của Bộ GTVT, mục tiêu của việc thu phí bảo trì đường bộ là để tu sửa, nâng cấp cầu, đường, song ai có thể bảo đảm với việc thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đường sá sẽ tốt hơn? Theo tôi, có ba nguyên nhân làm đường sá xuống cấp nhanh chóng: Một là đơn vị thi công cẩu thả, không bảo đảm chất lượng; hai là sự gia tăng các loại xe siêu trường, siêu trọng; ba là tình trạng đào đường vô tội vạ, hoàn trả mặt đường cũng cẩu thả. Rõ ràng, người dân và doanh nghiệp sẽ không chấp nhận việc thu phí bảo trì đường bộ qua xăng, dầu khi đường sá giao thông ngày càng tồi tệ như hiện nay. Với cách tính toán của Bộ GTVT, ai sẽ bảo đảm số tiền thu được từ quỹ bảo trì đường bộ sẽ bù lại được sự hư hỏng đường sá do các loại xe siêu trường, siêu trọng gây ra? Thu phí bảo trì đường bộ là hợp lý, nhưng cách thu và mức thu thế nào, việc sử dụng quỹ bảo trì ra sao... là vấn đề Bộ GTVT cần cân nhắc kỹ trước khi trình đề án lên Chính phủ...

Ông Nguyễn Văn Mão (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai): Máy tuốt lúa, máy bơm nước không chạy trên đường bộ
Nhờ có ít vốn do con trai đi lao động ở nước ngoài gửi về, tôi mua một máy bơm nước và một máy tuốt lúa để phục vụ bà con trong thôn. Hằng tuần, tôi mang can ra cây xăng mua ba bốn chục lít. Nay nghe nói, ai mua xăng cũng phải nộp phí bảo trì đường bộ. Nếu đúng như vậy thì thật không công bằng và vô lý quá, vì máy bơm nước, máy tuốt lúa của tôi có chạy trên đường bộ đâu...

Ban Bạn Đọc