“Virut nợ” Hy Lạp lan rộng: Italy “nhập viện”

Thế giới - Ngày đăng : 07:21, 16/06/2010

(HNM) - Sau Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, nay đến lượt Italy trở thành nạn nhân tiếp theo của

Italy đối mặt với tình trạng nợ công ngày càng gia tăng.

Trong ngót 2 năm lại đây, nợ công của nước này liên tục gia tăng, trở thành một trong những quốc gia có số nợ công cao nhất toàn cầu. Số liệu Ngân hàng trung ương Italy vừa công bố cho thấy, tổng số nợ công của đất nước hình chiếc ủng đã lên tới 1.813 tỷ euro (trên 2.200 tỷ USD), xấp xỉ 116% GDP. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách nước này cũng đã dâng lên ở ngưỡng trên 5,3% - gần gấp đôi mức quy định của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Để đối phó với những khó khăn về tài chính, song song với kế hoạch cắt giảm ngân sách lên tới 30 tỷ USD, Chính phủ Italy đã phát hành 8,5 tỷ euro trái phiếu với lãi suất hấp dẫn nhằm mở rộng kênh đầu tư để trang trải nợ nần. Về cơ bản, trái phiếu của Italy vẫn được đánh giá là hấp dẫn hơn của các nước đang có nợ công lớn như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland. Tuy nhiên, tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công của Italy đang nằm trên ngưỡng cảnh báo cao và nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới đà phục hồi mong manh của nền kinh tế. Ngoài ra, sự bùng nổ nợ công kết hợp với  tỷ lệ thất nghiệp đáng báo động tại Italy (8,5%) có thể là mầm mống của những bất ổn, gây thêm sóng gió cho cả khu vực vốn đang rối bời trong nợ.

Đáng nói là, ngay cả những quốc gia đầu tàu vốn là chỗ dựa vững chắc cho cả khu vực như Pháp và Đức giờ đây cũng đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá bởi bão nợ công. Và rủi ro nằm ở hệ thống ngân hàng hai nước này còn cao hơn bất kỳ hệ thống nhà băng thuộc quốc gia nào khác. Nguyên do xuất phát từ những món vay nợ chồng chéo giữa các quốc gia trong khu vực. Nguy cơ leo thang và lan rộng của khủng hoảng nợ công ở khu vực này khiến các ngân hàng Pháp và Đức có thể sẽ không thu hồi đủ số tiền mà họ đã cho vay. Tính tới thời điểm này, số nợ khó đòi của các ngân hàng Pháp và Đức đã lên tới gần 1.000 tỷ USD. "Đối tác" vay nợ không ai khác chính là Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha...

Những tín hiệu không mấy sáng sủa phát đi từ châu Âu và những ảnh hưởng có thể gây ra cho nền kinh tế thế giới sẽ khiến các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17-6 và Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Canada khó mà "nở nụ cười". Hiện tại, dư luận đang trông chờ vào "sáng kiến" của Pháp và Đức sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả sau khi hai bên đã có cuộc gặp cấp cao vào ngày 14-6. Tuy chi tiết cuộc gặp này chưa được thông báo cụ thể, nhưng nhiều khả năng trong thời gian tới Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ  thúc đẩy việc thành lập một cơ quan chỉ đạo kinh tế châu Âu và cơ quan này không chỉ đóng vai trò chỉ đạo kinh tế với các nước khu vực đồng euro mà còn với cả 27 quốc gia thành viên EU.

Ngoài ra, Paris và Berlin còn khẳng định sẽ gửi thông điệp chung tới lãnh đạo các nước G-20, kêu gọi nhanh chóng chấn chỉnh các thị trường quốc tế, trong đó có việc áp đặt quy định mới về thuế với các giao dịch tài chính quốc tế. Đây là một trong những công cụ được Pháp và Đức đồng thuận lựa chọn như một ưu tiên trong thời điểm này nhằm bình ổn thị trường tài chính đang có chiều hướng bất ổn trên toàn châu Âu.

Quỳnh Chi