Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn I: Sau thành công là những bài học
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 16/06/2010
Nhóm đánh giá chung nhận xét: Dự án đã hoàn thành mục tiêu đề ra; kiểm soát úng lụt khu vực nội thành và cải thiện chất lượng nước sông, hồ thông qua xây dựng các công trình kiểm soát ngập úng và cải tạo hệ thống cống, kênh thoát. Nhóm đánh giá cũng cho rằng dự án vẫn có thể được thực hiện tốt hơn.
Giảm thời gian úng ngập
Mục tiêu của dự án này là kiểm soát ngập lụt trong TP Hà Nội, cải thiện chất lượng nước sông, hồ và hồ điều hòa thông qua xây dựng mới, cải tạo các công trình kiểm soát ngập úng, hệ thống kênh mương thoát nước, góp phần cải thiện điều kiện môi trường, điều kiện sống của nhân dân. Ở giai đoạn I, mục tiêu cụ thể là giải quyết tình trạng úng ngập do mưa với chu kỳ 10 năm, lượng mưa 172mm/2 ngày (86mm/1 ngày) trong lưu vực sông Tô Lịch rộng 77,5km2.
Trạm bơm Yên Sở |
Nhóm đánh giá gồm 12 chuyên gia đến từ Nhật Bản, Bộ KH&ĐT, Sở KH&ĐT, Công ty Thoát nước Hà Nội và các đơn vị liên quan đều cho rằng dự án đạt hạng A ở hầu hết các tiêu chí đánh giá: tính phù hợp, hiệu quả, tác động, tính bền vững. Các chuyên gia đánh giá dự án vừa phù hợp với kế hoạch phát triển của Việt Nam vừa phù hợp với chính sách hỗ trợ phát triển của JICA và phù hợp với yêu cầu của nhân dân Hà Nội.
Nhóm đánh giá nhận thấy sự giảm thiểu thời gian úng ngập rõ ràng khi so sánh số liệu thống kê trước và sau khi dự án hoạt động. Trước khi có dự án, số điểm úng ngập nhiều, thời gian úng ngập có khi kéo dài đến cả tuần. Nhưng sau khi dự án hoạt động, số điểm úng ngập giảm đáng kể, thời gian ngập chỉ vài giờ sau khi có trận mưa lớn. Cụ thể, năm 1991, trận mưa trong 2 ngày 11 và 12-6 với tổng lượng mưa hơn 200mm đã làm Hà Nội ngập trong 7 ngày. Nhưng năm 2001, trận mưa trong 2 ngày 3 và 4-8 với tổng lượng mưa hơn 300mm chỉ làm ngập Hà Nội trong 2 ngày. Thậm chí, đến trận mưa kỷ lục được coi là thiên tai ở Hà Nội trong các ngày 31-10, 1-11 và 2-11 năm 2008, với tổng lượng mưa hơn 560mm (gấp gần 3 lần lượng mưa năm 1991), nhưng thời gian ngập lụt chỉ có 5 ngày.
Kết quả thu về từ 126 phiếu điều tra cho thấy, phần lớn những người được hưởng lợi cho rằng hệ thống thoát nước Hà Nội tốt hơn sau khi có dự án. 76% số người được hỏi cảm thấy hài lòng và rất hài lòng về khả năng kiểm soát úng ngập. Nhóm đánh giá dự án có tính bền vững cao, tác động tích cực tới những vùng hưởng lợi.
Vẫn có thể làm tốt hơn
Trong nhóm tiêu chí đánh giá gồm tính phù hợp, tính hiệu suất, tính hiệu quả, khả năng tác động và tính bền vững, chỉ riêng tiêu chí tính hiệu suất của dự án được xếp hạng B. Nhóm chuyên gia đánh giá, thời gian thực hiện vì nhiều nguyên nhân khách quan đã kéo dài hơn so với kế hoạch (thời gian thực tế là 125 tháng và thời gian dự kiến là 66 tháng), do đó, cho dù chi phí thực tế thấp hơn so với kế hoạch nhưng hiệu suất của dự án vẫn chỉ đạt hạng B. Thêm nữa, do tác động của nhiều yếu tố bên ngoài như: đô thị hóa, gia tăng dân số, gia tăng xả thải… nên đóng góp của dự án vào mục tiêu nâng cao chất lượng nước mặt tại các sông, hồ còn thấp.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội, thành viên của nhóm đánh giá cho rằng, rút kinh nghiệm từ giai đoạn I, việc thực hiện giai đoạn II của dự án sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Bài học thứ nhất là đối với công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung và công trình thoát nước nói riêng có đặc thù trải dài theo tuyến, phạm vi rộng nên việc thỏa thuận chỉ giới quy hoạch, chỉ giới xây dựng của các hạng mục công trình cần thực hiện ngay ở bước lập dự án để tránh kéo dài thời gian khảo sát, thiết kế và rút ngắn thời gian, thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB). Đồng thời, cần có sự phối, kết hợp chặt chẽ với các dự án khác nhằm bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Ông Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh, trong quá trình chuẩn bị dự án, các giải pháp, biện pháp đồng bộ nên được đề xuất để việc thực hiện đạt hiệu suất cao hơn như: việc GPMB, phối hợp với dự án hạ tầng khác có liên quan, biện pháp xử lý những vấn đề phát sinh. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án cần quan tâm hơn đến việc giám sát, quản lý và phối hợp chặt chẽ với tư vấn trong suốt quá trình khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, giải quyết kịp thời vướng mắc nảy sinh, hạn chế việc kéo dài tiến độ.
Chạy thử tải Trạm bơm Yên Sở II vào cuối tháng 9 Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết, Trạm bơm Yên Sở II với công suất bằng trạm bơm Yên Sở I (45m3/giây) đang được gấp rút thi công để kịp đưa vào chạy thử cuối tháng 9-2010. Sau khi hoàn thành và chạy thử tải vào cuối tháng 9 tới, trạm sẽ góp phần chủ yếu trong việc giải quyết úng ngập nội thành khi có mưa lớn. Trong trận mưa lịch sử năm 2008 được coi là thiên tai này, Trạm bơm Yên Sở I đã chạy liên tục 14 ngày và bơm hơn 54 triệu mét khối nước ra sông Hồng, góp phần quan trọng giải quyết úng ngập cho thành phố. |