Rạp chiếu phim phi lợi nhuận: Thêm lựa chọn cho khán giả

Văn hóa - Ngày đăng : 06:48, 15/06/2010

(HNM) - Cũng như nhiều nơi khác, Hà Nội có những rạp chiếu phim thương mại, chiếu trung bình 2 phim mới/tháng, hoặc các phim theo mùa như dịp hè, Giáng sinh, Tết... Gần đây, Thủ đô có thêm một số địa điểm chiếu phim phi lợi nhuận tạo thêm sự phong phú cho "thực đơn" của người yêu điện ảnh.

Một buổi giao lưu điện ảnh tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.

"Món ngon" Hanoi Cinematheque

Đứng lâu nhất trong các rạp chiếu phim phi lợi nhuận ở Hà Nội có lẽ là Hanoi Cinematheque (22A Hai Bà Trưng). Rạp ra đời đầu năm 2004, do một người nước ngoài sống ở Việt Nam là Gerry Herman thành lập, để giới thiệu các tác phẩm điện ảnh kinh điển thế giới. Hơn 6 năm hoạt động, rạp này chiếu nhiều phim hay của Mỹ, Italia, Nga, Pháp… và cả Việt Nam như "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Cú và chim se sẻ", "Dòng máu anh hùng"… Tất cả phim đều có phụ đề tiếng Anh, riêng khán giả Việt Nam khi xem phim kinh điển nước ngoài sẽ được phát tai nghe thuyết minh. Rạp có gần 90 chỗ ngồi, mỗi ghế lại gắn bàn phục vụ cho việc giảng dạy. Có nhiều buổi chiếu, sau khi xem phim khán giả còn được giao lưu với các đạo diễn nổi tiếng trong và ngoài nước như Đặng Nhật Minh, Bùi Thạc Chuyên, Oliver Stone… Mỗi lần tới xem phim, khán giả tùy tâm mà ủng hộ nhà tổ chức trong việc bảo trì rạp, thuê nhân viên.

Trước ở Hà Nội cũng có Fansland ở Lý Thường Kiệt chuyên chiếu các phim kinh điển, giá vé chỉ từ 12.000 đến 20.000 đồng/vé. Nhưng rạp này đã đóng cửa hồi năm ngoái để lại nhiều tiếc nuối.

"Món lạ" từ các trung tâm văn hóa nước ngoài

Ra đời với mục đích phục vụ học tập, quảng bá văn hóa, chương trình chiếu phim của các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Hà Nội cũng giúp khán giả có thêm nhiều lựa chọn. Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L'Espace, 24 Tràng Tiền) đã có nhiều chương trình chiếu phim, nhưng trước thường gắn với các sự kiện văn hóa khác, nay đã tổ chức định kỳ, giới thiệu các tác phẩm điện ảnh hay với giá vé rất "tượng trưng", 5.000 đồng/vé. Tuy mới chiếu phim của Pháp và Việt Nam, song đây cũng là cơ hội để fan của điện ảnh thưởng thức các phim hay.

Trong khi văn hóa Hàn Quốc trở thành mốt trong giới trẻ, thì việc xem các bộ phim tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (29 Nguyễn Du) được xem là rất hợp thời. Đều đặn 9h30 sáng thứ bảy hằng tuần, nơi đây chiếu các phim hay và mới của điện ảnh xứ Kim Chi như "Sóng thần ở Haeundae", "Ông ngoại tuổi 30", "Đảo lãng mạn"… Viện Goethe Hà Nội cũng thường xuyên chiếu các bộ phim Đức, đặc biệt gần đây là chương trình "60 năm điện ảnh Đức" được người xem chú ý.

"Món đặc sản" của các CLB yêu phim

Không đợi các rạp thương mại chiếu phim mà họ yêu thích, nhóm những người yêu phim cũng tự tạo "rạp" cho riêng mình và mở cửa với tất cả công chúng bằng các "món đặc sản". Tháng 10-2009, Doclab (thuộc Viện Goethe) được thành lập như một trung tâm thử nghiệm về phim tài liệu và nghệ thuật video ở Hà Nội. Họ có các khóa đào tạo cơ bản về làm phim tài liệu, video nghệ thuật, có phòng chiếu, phòng lab dựng phim, thư viện phim và hình ảnh cho các học viên. Nhưng các buổi chiếu phim của Doclab vào thứ năm hằng tuần thì dành cho mọi người.

Còn Press cà phê (đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài) có các buổi chiếu phim đều đặn vào tối thứ bảy hằng tuần. Đây là điểm hẹn lý tưởng cho những ai yêu thích phim tài liệu, với nhiều phim tài liệu hay của Việt Nam và nước ngoài như: "Hà Nội trong mắt ai", "Đất lạnh", "Lúc sương tan"... Sau mỗi buổi chiếu đều có giao lưu với đạo diễn, diễn viên và đoàn làm phim.

Tần Tần