Lò gạch cản trở dự án

Đời sống - Ngày đăng : 06:03, 15/06/2010

(HNM) - Những ngày qua, người lao động sinh sống, làm việc ở Khu công nghiệp (KCN) Phú Nghĩa (Chương Mỹ) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khói lò gạch thủ công. Không chỉ có vậy, dự án xây dựng tòa nhà đầu tiên dành cho người lao động ở đây có khả năng lỡ hẹn với Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng do khói lò gạch.

Lò gạch gây ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ). Ảnh: Hữu Hoài


Sống chung với ô nhiễm
Chứng kiến nhiều ngôi nhà phủ một màu xám chúng tôi tin, người lao động sinh sống, làm việc ở KCN Phú Nghĩa phản ánh bị ảnh hưởng của khói lò gạch thủ công là sự thật. Một công nhân đang làm việc trong KCN Phú Nghĩa cho biết, ở đây có một lò gạch nằm trên địa bàn xã Tiên Phương, Chương Mỹ hoạt động nhả khói suốt ngày đêm. Nguy hiểm hơn, lò gạch này nằm sát chỗ ở của người lao động nên mỗi lần lò đỏ lửa, do hít thở bầu không khí ngột ngạt cùng sức nóng từ các lò gạch xả ra, người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Ông Lê Văn Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Nghĩa (chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Phú Nghĩa) cho biết, người lao động ở đây phải hứng chịu những đợt khói mù mịt. Cả khi ngủ đã đóng kín cửa mà mùi nồng nặc vẫn xộc vào. Trước tình trạng trên, công ty đã kiến nghị với các cấp chính quyền huyện Chương Mỹ giải quyết, nhưng sự việc vẫn chưa tiến triển.

Ảnh hưởng tới 800 lao động
Trước nhu cầu cần thiết về chỗ ở cho người lao động, UBND thành phố Hà Nội đã giao Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ làm chủ đầu tư xây dựng nhà cho người lao động. Dự án này được khởi công vào cuối năm 2009 và dự kiến đến đầu tháng 9 này, tòa nhà xây dựng xong đưa vào sử dụng, tạo chỗ ở cho khoảng 800 lao động đang làm việc trong KCN Phú Nghĩa. Tòa nhà này là một trong tổng số 10 công trình xây dựng tạo chỗ ở cho người lao động làm việc tại KCN Phú Nghĩa. Diện tích sàn nhà hơn 4.400m2 với số vốn đầu tư 24 tỷ đồng. Đây là tòa nhà xây dựng đầu tiên dành cho người lao động trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ý nghĩa hơn, công trình này được thành phố Hà Nội chấp thuận là công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đến nay, tòa nhà đã xây đến tầng 6 và từng bước đi vào hoàn thiện. Tuy nhiên, các hạng mục kỹ thuật khác có liên quan đến tòa nhà đang dừng lại do chưa giải phóng được lò gạch đang gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người lao động sinh sống, làm việc trong KCN Phú Nghĩa. Ông Giang cho biết, nếu lò gạch này chưa giải tỏa, khả năng dự án xây dựng tòa nhà cho người lao động ở đây sẽ khó hoàn thành như dự kiến và lỡ hẹn với ngày Thủ đô kỷ niệm tròn nghìn năm tuổi. Không chỉ có vậy, nó còn ảnh hưởng gián tiếp đến việc bố trí cho 800 người lao động đang làm việc trong KCN Phú Nghĩa. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tể, đội 4, thôn Sơn Đồng, xã Tiên Phương (đang quản lý lò gạch) khăng khăng cho rằng, hợp đồng ông ký với HTX Nông nghiệp Tiên Phương sản xuất gạch đến tháng 6-2011 mới hết hiệu lực. Ông Tể đòi phải bồi thường 1 tỷ đồng mới bàn giao mặt bằng đang sản xuất gạch thủ công.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương cho biết, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo thanh lý hợp đồng ký kết giữa ông Tể và HTX Nông nghiệp Tiên Phương. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thoại, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tiên Phương cho rằng, việc thanh lý không đơn giản do chủ lò gạch đòi hỏi bồi thường quá cao. Như vậy, việc giải tỏa lò gạch chưa đi đến hồi kết và người lao động ở đây vẫn sống trong cảnh ô nhiễm môi trường.

Theo Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2010 phải chấm dứt sự hoạt động của các lò gạch thủ công gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sản xuất nông nghiệp trên cả nước. Hiện nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã có các văn bản thông báo chỉ cho phép các lò thủ công hoạt động đến cuối năm. Các trường hợp cố tình chống đối, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế giải tỏa.

Thúy Nga