Công trình Thủy điện Sơn La: Gấp rút về đích

Kinh tế - Ngày đăng : 05:45, 15/06/2010

(HNM) - Chặn dòng sông Đà, tích nước hồ Thủy điện Sơn La được thực hiện đúng tiến độ vào trung tuần tháng 5-2010 là bước đi quan trọng để tổ máy số 1-Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sơn La phát điện vào tháng 12-2010, sớm 2 năm so với tiến độ ban đầu đặt ra. Phát điện tổ máy số 1-NMTĐ Sơn La với công suất 400 MW vào tháng 12 năm nay không những sẽ làm lợi cho đất nước khoảng 2 triệu USD, mà còn góp phần khắc phục tình trạng thiếu công suất của hệ thống điện vào mùa khô 2011.

* Sớm 2 năm so với tiến độ ban đầu, làm lợi cho đất nước 2 triệu USD.
(HNM) - Chặn dòng sông Đà, tích nước hồ Thủy điện Sơn La được thực hiện đúng tiến độ vào trung tuần tháng 5-2010 là bước đi quan trọng để tổ máy số 1-Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sơn La phát điện vào tháng 12-2010, sớm 2 năm so với tiến độ ban đầu đặt ra. Phát điện tổ máy số 1-NMTĐ Sơn La với công suất 400 MW vào tháng 12 năm nay không những sẽ làm lợi cho đất nước khoảng 2 triệu USD, mà còn góp phần khắc phục tình trạng thiếu công suất của hệ thống điện vào mùa khô 2011.

Công trình Thủy điện Sơn La sau khi chặn dòng tích nước. Ảnh: Ngọc Hà

Từ quyết định quan trọng...
Do tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của công trình NMTĐ Sơn La trong hệ thống điện ở giai đoạn nền kinh tế nước ta đang có những bước phát triển hội nhập, nên đây là công trình thủy điện duy nhất do Quốc hội giám sát và được Thủ tướng Chính phủ cho phép khởi công cũng là thời điểm ngăn sông đợt 1. Sau khi khởi công vào năm 2005, đến tháng 5-2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 671/TTg phê duyệt Tổng tiến độ dự án, ngăn sông Đà đợt 2 (lấp kênh dẫn dòng) thực hiện vào tháng 1-2009; chặn dòng (tích nước hồ chứa Sơn La) vào cuối tháng 6-2010; phát điện thương mại tổ máy số 1 vào tháng 12-2010 và hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2012. Để bảo đảm tiến độ cho các hạng mục công trình chính, việc di chuyển dân cũng được Thủ tướng yêu cầu hoàn thành trước tháng 6-2010. Di dân phải đồng thời với việc bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất của người dân tái định cư. Các công trình giao thông tránh ngập như xây dựng cầu Pá Uôn, quốc lộ (QL) 279 đoạn tránh ngập phà Pá Uôn, tỉnh lộ 127 (34km và cầu Lai Hà); 35km QL12 (gồm cả cầu Hang Tôm) đã được hoàn thành...

Chặn dòng sông Đà (tích nước hồ chứa Sơn La) không chỉ quyết định đến tiến độ phát điện tổ máy số 1-NMTĐ Sơn La, mà còn bảo đảm cho việc chống lũ năm 2010. Vì vậy, ngay từ tháng 8-2009 (trước thời điểm chặn dòng 10 tháng), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước dự án Thủy điện Sơn La đã giao nhiệm vụ các các địa phương và bộ, ngành hoàn thành các công việc liên quan xong trước ngày 31-3-2010. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, Tập đoàn EVN xây dựng phương án bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống với phương án tích nước hồ chứa Thủy điện Sơn La vào tháng 5-2010. Đây được xác định là thời điểm khó khăn nhất về cung cấp điện của mùa khô năm 2010.

... đến việc chọn thời điểm tối ưu
EVN đã đưa ra các tiêu chí cho việc chặn dòng sông Đà (tích nước hồ chứa Sơn La) để từ đó phân tích, so sánh các phương án nhằm thực hiện đạt hiệu quả. Theo tiến độ thi công đập bê tông đầm lăn (RCC), phần lòng kênh dẫn dòng đã được nâng đến cao trình 185m vào tháng 5-2010. Công tác thi công bê tông nút cống vào đầu tháng 6-2010 trong điều kiện phần đập phía trên không vượt quá cao trình 185m khi chưa nút xong 1/3 chiều dài cống phía thượng lưu. Việc hạ van đóng cống thực hiện từ đầu tháng 5-2010, thi công bê tông nút cống thực hiện từ đầu tháng 6-2010 là phù hợp với tiến độ thi công hạng mục công trình.

Trong phương án chặn dòng, EVN cũng tính tới tác động từ việc tích nước khiến cho sản lượng điện khai thác từ Hòa Bình giảm 110 triệu kWh trong tháng 5. Nhưng, nếu chặn dòng vào tháng 6-2010 sẽ rất khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro. Bởi, tốc độ dâng nước ở vào thời điểm này nhanh, có thể gây nguy cơ sạt lở vùng bờ hồ. Ngoài ra, nếu chặn dòng, tích nước thực hiện vào tháng 6-2010, sát với mùa lũ, không có thời gian dự phòng cho các tình huống không lường trước. Trong trường hợp không thực hiện được theo kế hoạch sẽ phải lùi việc chặn dòng, tích nước hồ chứa đến đầu mùa kiệt tiếp theo. Như vậy, ngoài ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện tổ máy số 1, việc dừng thi công đập RCC nửa năm còn có thể gây hư hỏng trong cống dẫn dòng trong mùa lũ 2010, gây nhiều khó khăn cho việc tích nước hồ chứa sau đó.

Kho vàng trắng
Hằng năm, sau ngày 20-5 thường xuất hiện lũ tiểu mãn với lưu lượng trong sông hơn 3.000m3/s. Tuy nhiên, năm nay đến thời điểm này mới chỉ có một lần có lưu lượng lớn nhất đo được trong thời gian ngắn là 1.750m3/s còn lại lưu lượng trong sông chỉ trung bình 900-1.200m3/s. Lưu lượng nước về rất thấp, nên đang phải mở toàn bộ 12 cửa xả sâu, mực nước trên hồ duy trì ở cao độ 150m và toàn bộ nước về đều trả về hồ Hòa Bình qua 12 cửa xả sâu.

BQL Thủy điện Sơn La cho biết, từ sau thời điểm đóng cống (ngày 15-5), đến nay, các nhà thầu thi công vẫn thi công bê tông các khu vực cửa lấy nước, đập không tràn RCC, đập tràn xả mặt; thi công bê tông nút cống dẫn dòng và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công cho cửa lấy nước trên cao độ 190m; khe van xả mặt, chi tiết đặt sẵn cho thiết bị cơ khí thủy công cửa ra nhà máy…; lắp đặt thiết bị cơ khí thủy điện nhà máy - tổ máy 1; lắp đặt thanh dẫn máy phát; lắp đặt các hệ thống thiết bị phụ…

Để phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12 trong năm nay, các nhà thầu thi công phải hoàn thành việc lắp đặt, chạy thử các hệ thống thiết bị phụ trong tháng 11-2010; hoàn thành máy phát trong tháng 10-2010; lắp đặt trục trong tháng 7-2010; lắp đặt rotor máy phát trong tháng 8-2010... Các công tác bê tông còn lại hoàn tất vào cuối năm 2010.

Với 5 bậc thang thủy điện gồm các NMTĐ: Hòa Bình (1.920 MW), Sơn La (2.400 MW), Lai Châu (1.200 MW), Huội Quảng (520 MW), Bản Chát (180 MW), sông Đà sẽ trở thành nguồn cung cấp thủy điện lớn nhất cả nước, lên tới 6.000 MW điện vào năm 2015. So với các Trung tâm Nhiệt điện khí Phú Mỹ đã đi vào hoạt động, hay một số trung tâm nhiệt điện khác được dự tính đặt ở Nghi Sơn, Vũng Áng cũng cỡ vài nghìn MW, thì NMTĐ Sơn La nói riêng, hay toàn bộ các NMTĐ trên sông Đà cũng chưa phải là khổng lồ. Nhưng, nếu so sánh nguồn nhiên liệu để phục vụ cho phát điện, sông Đà thật sự là một kho vàng trắng.

Thanh Mai