Bắt đầu từ con số 1
Góc nhìn - Ngày đăng : 04:25, 15/06/2010
Theo quy đinh, việc xem xét tín nhiệm đối với người đứng đầu một ngành chỉ có thể xảy ra khi có kiến nghị của 20% tổng số đại biểu Quốc hội, hoặc kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trả lời báo chí về ý kiến của mình, vị đại biểu Quốc hội trong câu chuyện nêu trên cho biết: "Tôi nghĩ rằng nếu không có từ số 1 - là tôi - thì làm sao có đến con số 20%". Đây là một ý kiến gợi mở ra nhiều vấn đề của xã hội và rất đáng để suy nghĩ.
Trong đầu tư chứng khoán, kinh doanh vàng, hoặc lĩnh vực bất động sản... người ta thường dùng cụm từ "tâm lý đám đông", tức là a dua theo người khác. Sự nguy hiểm của hành vi này là hành động của từng con người thiếu sự suy tính, phân tích, cân nhắc. Cũng vì lẽ đó, nhiều cơn sốt ảo đã xảy ra, nhiều chiếc bong bóng được hình thành mà không thể đoán định khi nào thì vỡ. Tất cả những điều đó đều tác động xấu đến nền kinh tế. Khi xã hội phát triển, trình độ nhận thức của con người không ngừng vươn lên, tư duy của công dân trước những sự việc cụ thể cũng đổi mới hơn. Những cơn sốt ảo, những chiếc bong bóng cũng mất dần đi. Đơn giản như việc người tiêu dùng tín nhiệm một mặt hàng bây giờ không chỉ vì thấy đông người xếp hàng mua.
Mỗi một vấn đề đều phải bắt đầu từ con số 1. Nếu những ý kiến, quyết định, hành động của một con người là chuẩn xác thì chắc chắn sẽ có những con số tiếp theo. Đây không phải là "tâm lý đám đông", không phải sự hùa theo. Quy luật khách quan của xã hội là như vậy. Có người từng ví von, không thể có một đám cháy (dù to, dù nhỏ) nếu không xuất hiện nguồn lửa.
Đã có nhiều vấn đề trong xã hội mà con số 1 chưa xuất hiện nên được coi là chưa có tiền lệ. Nhưng bất kể việc gì không thể không có sự khởi đầu. Và việc xem xét chỉ số tín nhiệm đối với người đứng đầu một ngành cũng vậy. Trở lại ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu về việc này, nhiều đại biểu khác cho rằng, cũng cần nên xem xét lại một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nếu thấy rằng vào thời điểm này có những điểm cần phải bổ sung cho phù hợp...
Vấn đề xem xét chỉ số tín nhiệm đối với từng con người, từng vị trí giữ các trọng trách trong xã hội ở các quốc gia trên thế giới là chuyện hết sức bình thường. Khi chỉ số này xuống thấp, nhiều người đã từ chức hoặc bị bãi nhiệm. Đó là điều cần thiết cho sự phát triển chung của cộng đồng, của xã hội. Ở Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại chưa có tiền lệ như vậy. Do đó, như ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn): "Có thể nói những người đứng đầu ở những lĩnh vực xảy ra vấn đề lớn thời gian qua gần như chưa có ai phải chịu trách nhiệm". Rõ ràng, khi chưa có cơ chế ràng buộc thì sự tự chịu trách nhiệm ở mỗi vị trí cũng chỉ ở mức độ nhất định. Vậy nên, việc xem xét chỉ số tín nhiệm ở từng vị trí trong xã hội là hết sức cần thiết để việc bố trí con người trong bộ máy phù hợp với khả năng, đáp ứng được tình hình và yêu cầu thực tế. Và cũng như mọi chuyện khác, phải bắt đầu từ con số 1.