Vấn nạn “om” hồ sơ

Đời sống - Ngày đăng : 04:22, 15/06/2010

(HNM) - Việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại các cấp chính quyền thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, dù mỗi loại TTHC đều đã có quy định cụ thể về thời gian giải quyết, trả kết quả, nhưng vẫn có không ít cán bộ, đơn vị đã tự ý kéo dài thời gian hẹn trả cho công dân.

Việc này đã được đoàn kiểm tra đột xuất công tác giải quyết TTHC của thành phố phát hiện tại nhiều đơn vị và vấn đề đáng nói là những sự việc tương tự tiếp tục xảy ra ở những đơn vị được kiểm tra tiếp theo. Lĩnh vực thường bị kéo dài thời gian hẹn trả kết quả nhất là tài nguyên môi trường, xây dựng… Không ít trường hợp cán bộ "om" hồ sơ đến vài ba năm. Thậm chí, trong các lĩnh vực đã có quy định trả hồ sơ cho công dân ngay trong ngày, 3 ngày hay 5 ngày… cũng bị cán bộ tự ý cộng thêm mấy ngày với lời giải thích rất "vì dân": "kéo dài thời gian để phòng khi lãnh đạo đi họp hay bận chưa ký được thì người dân đỡ mất công đi lại nhiều lần"; hoặc "hồ sơ vẫn đang được cán bộ phòng chuyên môn giải quyết"... Tuy nhiên, tại một số đơn vị, ngay cả lãnh đạo cũng không biết là cán bộ của mình đã tự ý kéo dài thời gian như vậy và khẳng định dù bận đến đâu cũng không bao giờ để tồn đọng hồ sơ chưa ký sang ngày hôm sau.

Hiện tại, TP Hà Nội có gần 300 TTHC cấp quận, huyện và hơn 150 TTHC cấp xã, phường, thị trấn. Như vậy, việc giao dịch của tổ chức và công dân tại các cơ quan hành chính khá lớn, nếu thời gian thực hiện mỗi thủ tục bị cán bộ tính thêm vài ngày cho "an toàn" theo kiểu đó thì sự thiệt hại về thời gian và kéo theo đó là tiền của sẽ trội lên nhiều lần. Xem ra, mỗi cán bộ cần nghiêm túc thực hiện đúng quy định về việc tiếp nhận, giải quyết TTHC; người dân cần nắm rõ quy định (đã được niêm yết, đăng tải công khai) để giám sát cách làm của cán bộ. Đồng thời, lãnh đạo đơn vị cũng phải nắm rõ quy trình, luôn sát sao, đôn đốc cán bộ và nhất thiết phải xây dựng quy chế làm việc rõ ràng để cán bộ không dám "làm bừa".

Nguyễn Hiền