Đăng ký giao dịch bảo đảm: Nhiều nút thắt cần gỡ

Đời sống - Ngày đăng : 06:41, 14/06/2010

(HNM) - Hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm là nhằm bảo vệ lợi ích cho người dân lẫn doanh nghiệp trong quá trình tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế. Tuy nhiên, những bất cập của pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực này đã khiến cho không ít cá nhân, tập thể gặp nhiều khó khăn.

Vẫn những câu chuyện chậm và tắc

Luật sư Nguyễn Thành Nam (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, hiện Việt Nam có 3 phương thức đăng ký, bao gồm: đăng ký giao dịch bằng động sản; đăng ký giao dịch bằng bất động sản và tài sản gắn liền trên đất và đăng ký bằng tàu bay, tàu biển. Thế nhưng, dù những tài sản thuộc diện đăng ký giao dịch bảo đảm đa phần đều có giá trị lớn, song những điều khoản chi tiết đối với các loại tài sản trên lại bộc lộ nhiều bất hợp lý, gây ra không ít những rắc rối cho các bên. Chẳng hạn như trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển), vẫn còn những "khoảng trống" giữa thời điểm nhận đơn và thời điểm thông tin trên đơn được cập nhật vào cơ sở dữ liệu để tra cứu. Ngoài ra, thực tế hiện nay, số điểm đăng ký còn quá ít, nhưng luật vẫn bắt buộc khách hàng ở xa phải gửi qua đường bưu điện (không được phép qua mail, fax) nên các khách phải chờ đợi trong một thời gian dài mới nhận được kết quả đăng ký.

Tuy đã nộp đủ giấy tờ nhưng việc cấp “bìa đỏ” cho các hộ tại một số khu đô thị mới còn chậm. Ảnh: Thái Hiền

Lại có trường hợp khách hàng có nhà, muốn hoàn tất các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đối với bất động sản nhưng cán bộ thụ lý cũng đành chịu không đáp ứng được gây hiểu lầm cho người dân. Bởi pháp luật quy định muốn thế chấp bất động sản tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhất thiết phải có "sổ đỏ" nhưng thượng đế lại chỉ có giấy tờ nhà (sổ đỏ chưa được cấp) khiến cho việc bảo đảm tiền vay và thực hiện đăng ký thế chấp bị tắc lại. Thực tế cho thấy, rất nhiều người dân rơi vào hoàn cảnh éo le này vì tiến độ cấp "giấy thông hành" chậm kể trên là một trong những tồn tại trong nhiều năm qua.

Cần có hướng dẫn giao dịch trực tuyến

Theo luật sư Nam, trên đây mới chỉ là ví dụ về nỗi khổ trong số hàng chục nỗi khổ của người dân. Ông Nam giải thích, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực này vẫn trong tình trạng chưa được pháp điển hóa trong một văn bản luật nên còn không ít quy định mâu thuẫn nhau. Hiện hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm do 3 cơ quan quản lý là Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT và Bộ GTVT với những thủ tục, trình tự không rập khuôn, khó thực hiện. Đó là kết quả từ sự "đa dạng" của quy định từ các văn bản khác nhau về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, bất động sản hay tàu bay, tàu biển. Không những thế, lại chưa có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan, việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với một số đơn vị đăng ký sở hữu tài sản cũng còn hạn chế nên tất yếu dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này không cao, gây khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân khi yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.

Hệ thống pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm còn thiếu quy phạm điều chỉnh thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đối với một số tài sản có giá trị như: rừng sản xuất là rừng trồng, vườn cây lâu năm, trong khi nhu cầu khai thác, huy động vốn từ các tài sản này ngày càng lớn.

Đến thời điểm hiện nay, khi một số văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc được ban hành mới, nên nhiều quy định trong NĐ số 08/2000/NĐ-CP (giấy tờ pháp lý có giá trị cao nhất về giao dịch bảo đảm) không còn phù hợp với các quy định của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn như Bộ luật Dân sự 2005, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng... cũng như tình hình thực tiễn về giao dịch bảo đảm.

Đã có nhiều buổi hội thảo, tọa đàm, kiến nghị đối với những khúc mắc, thậm chí cả xung đột xung quanh các văn bản luật pháp về vấn đề nêu trên, rất cần có một thông tư hướng dẫn đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên… và nhiều văn bản liên quan khác với kỳ vọng góp phần xóa bỏ dần nạn "hành nhau là chính", nhưng đáng tiếc, những văn bản pháp quy này vẫn đang trong quá trình... soạn thảo.

Hà Phong