Trăn trở gửi về Huế
Văn hóa - Ngày đăng : 06:24, 14/06/2010
Nên rộng hay nên sâu?
Festival Huế năm nay có 9 lễ hội chính được làm với quy mô khá lớn, bao gồm: lễ khai mạc, cuộc thao diễn thủy binh thời Chúa Nguyễn, lễ hội áo dài, lễ Tế giao, lễ hội sân khấu hóa Hành trình mở cõi, chương trình Huyền thoại sông Hương, đêm Hoàng cung và lễ bế mạc. Như vậy, trung bình mỗi ngày diễn ra festival, Huế có ít nhất một lễ hội lớn. Có lẽ, cũng chính vì sự dàn trải này mà đa số các chương trình chưa được thành công như mong đợi.
Lễ hội áo dài - Một chương trình được đánh giá để lại nhiều ấn tượng tại Festival Huế 2010. Ảnh: Bảo Đan |
Ông Lê Quý Dương, đạo diễn 4 chương trình trong số 9 lễ hội chính cho biết: Ban đầu, chúng tôi dự định đóng một đoàn thuyền rồng riêng cho chương trình "Huyền thoại sông Hương" nhưng do không đủ kinh phí nên phải thuê thuyền của tư nhân, trang trí thêm để dùng. Tương tự, chương trình "Đêm Hoàng cung" dự kiến diễn ra trên diện tích hơn 360.000m2 của Đại Nội, với mong muốn người xem khi vào đây tựa như bước vào một thế giới khác. Nhưng trên thực tế, du khách đến "Đêm Hoàng Cung" phải mò mẫm từng bước chân để tránh các dây điện chằng chịt trên mặt cỏ. Dường như để lý giải nguyên nhân, đạo diễn cho biết thêm: Chúng tôi được cấp 10,5 tỷ đồng để làm 4 chương trình lớn diễn ra trong 7 đêm, bởi vậy số tiền chia cho các đêm diễn không được như mong muốn.
Một chương trình chưa thành công nữa là "Đêm phương Đông". Đây là đêm trình diễn các trang phục Hoàng cung của 9 nước phương Đông, nhưng trong 5 buổi diễn tại sân Điện Thái Hòa - Đại Nội (Huế) chỉ có trang phục của nước chủ nhà là nổi bật, còn khách mời chỉ mang tới lễ hội những bộ trang phục... ngày thường. Như chia sẻ của êkíp đại diện cho Ấn Độ thì họ không ngờ chương trình được làm trang trọng như thế nên trang phục họ mang tới chưa xứng. Do đó,"Đêm phương Đông" đành chuyển thành đêm trình diễn trang phục dân tộc của các nước.
Ngay tại lễ khai mạc hoành tráng, BTC vẫn chưa tìm được phương án khả thi nào ứng phó với những cơn mưa bất chợt ở Huế khiến các nghệ sĩ trong nước, quốc tế phải đội mưa để biểu diễn và rất nhiều người đã bị trượt ngã ngay trên sân khấu... Còn chương trình nghệ thuật "Hơi thở của nước" được quảng cáo khá rầm rộ, nhưng không ít khán giả đã phải thất vọng chỉ vì sân khấu được lắp đặt quá xa. Tác giả kịch bản "Hơi thở của nước" Nguyễn Quang Hưng giãi bày: Do lỗi kỹ thuật khiến vở diễn chỉ đáp ứng được 60% những gì anh và BTC mong đợi.
Ngoài các chương trình biểu diễn lớn, năm nay Festival Huế cũng gây ấn tượng mạnh về số lượng, sự phong phú của nghệ thuật triển lãm, sắp đặt và các hoạt động hội hè đường phố... Song, việc có quá nhiều chương trình dẫn đến tình trạng khán giả không biết xem gì và cũng không xem được gì, khiến cho nhiều chương trình nghệ thuật đáng xem đã bị bỏ rơi...
Những gì mắt thấy, tai nghe tại Huế khiến người ta đặt câu hỏi Festival Huế nên phát triển theo hướng mở rộng như năm nay hay nên đầu tư theo chiều sâu? Câu trả lời dành cho nhà tổ chức.
Tính chuyên nghiệp còn xa tầm tay
BTC Festival Huế tham vọng muốn biến Huế thành điểm hẹn của các di sản thế giới và là điểm đến, nơi những sáng tạo nghệ thuật được thăng hoa, vì thế, quy mô của festival này sẽ ngày càng được mở rộng và ngày càng được quốc tế hóa cao hơn. Năm nay, BTC đã mạnh dạn đưa vào lễ hội nhiều chương trình mang tính đương đại và quốc tế. Theo đánh giá của BTC, đây là yếu tố góp phần tạo nên thành công của fesival năm nay. Tuy nhiên, không khí hội hè nhộn nhịp chưa thu hút đông khách du lịch quốc tế đến với Huế, mặc dù họ là đối tượng chính mà festival hướng tới. Theo thống kế của BTC, khách quốc tế đến với Huế chỉ chiếm 30% trong hơn 10 vạn lượt khách có mặt ở festival. Còn Giám đốc Khách sạn Nhật Tường Nguyễn Linh Nghiệm cho biết: Lượng khách đến với festival chủ yếu tập trung trong ngày đầu, những ngày sau lúc nào khách sạn anh cũng trống 30% số phòng. Nguyên nhân là do các hoạt động trong festival lặp đi lặp lại nên khách chỉ cần 3 ngày là có thể thưởng thức hết không khí festival.
Người dân xứ Huế khao khát được tham gia nhưng như bà Lê Thị Thanh (phường Thuận Hòa, thành phố Huế) than: "Dịp festival chỉ có những nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lớn ở trung tâm thành phố làm ăn được thôi, chứ bọn tui có được lợi chi mô. Năm nào cũng rứa, các lễ hội lớn, đặc sắc đều bán vé, dân nghèo làm sao dám bỏ 50 ngàn đồng mua vé vào coi, nói chi có chỗ như dạ tiệc hoàng cung vé 500 ngàn đồng. Tui ước những kỳ festival năm sau, tui có thể được tham gia các hoạt động của festival mà không phải mất tiền".
Những cái được và chưa được tại Festival Huế năm 2010 sẽ là bài học cho chính BTC và cho cả các địa phương sẽ tổ chức nhiều lễ hội lớn.
Tối qua, bế mạc Festival Huế 2010 Sau 9 ngày diễn ra với nhiều chương trình lễ hội, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, tối 13-6, tại sân khấu bãi bồi cầu Gia Hội, thành phố Huế, lễ bế mạc Festival Huế 2010 diễn ra trong sự lưu luyến, bồi hồi của người dân cố đô Huế và du khách. Không gian của đêm bế mạc Festival Huế năm nay là một sân khấu nổi trên sông Hương, được hình thành bởi hình dáng 2 con thuyền, lấy hình ảnh cầu Trường Tiền làm phông nền, cùng với hệ thống ánh sáng đa màu sắc, tạo sự độc đáo cho đêm kết thúc một lễ hội văn hóa lớn. Nếu như đêm khai mạc hội tụ nghệ thuật năm châu, thì đêm bế mạc Festival Huế 2010 là sự tỏa sáng của nghệ thuật Việt. Đêm giã bạn, giữa dòng sông Hương thơ mộng, tiếng đàn réo rắt, câu hát ngân vang, điệu múa uyển chuyển của các nghệ sĩ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng Huế và du khách. Diễn ra trong thời gian từ ngày 5 đến 13-6, Festival Huế 2010 có 28 quốc gia với khoảng 550 nghệ sĩ nước ngoài và 2.300 nghệ sĩ trong nước tham gia biểu diễn 117 chương trình nghệ thuật, với đủ các loại hình như âm nhạc, kịch, xiếc, trang phục… Festival thu hút hơn 3 triệu lượt người đến dự; 120.359 lượt khách lưu trú tại các khách sạn, trong đó có 28.596 khách quốc tế đến từ 92 quốc gia và vùng lãnh thổ. |