Lời cảnh báo rúng động

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:16, 14/06/2010

(HNM) - Con tàu kinh tế thế giới một lần nữa lại chao đảo khi lần đầu tiên Nhật Bản - đầu tàu kinh tế lớn thứ 2 thế giới - tuyên bố đang đứng trước nguy cơ đi vào vết xe đổ của Hy Lạp, trở thành quốc gia sở hữu núi nợ công lớn nhất trong số các nước phát triển...

Không còn là câu chuyện mới, song cảnh báo nợ gây chấn động của tân Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đưa ra cuối tuần qua đã củng cố thêm nhận định về "dịch nợ" đang có nguy cơn lan tới châu Á sau khi làm điên đảo nhiều nền kinh tế trong Liên minh châu Âu (EU) cũng như đẩy nền kinh tế số 1 thế giới - Mỹ đứng trước ranh giới nguy hiểm.

Nhưng, đó chưa phải là tất cả những gì mà thế giới từng được chứng kiến. Mối quan ngại lớn hơn mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã báo động, đó là hiệu ứng "đôminô" do cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể "hạ gục" châu Á, sau khi nó làm gián đoạn hệ thống thương mại toàn cầu. Trước mắt, những rắc rối về tín dụng thông qua các kênh cấp vốn; hoạt động xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng... là những hệ lụy khó tránh, một khi các nhà hoạch định chính sách châu Á không có hành động ứng phó kịp thời.

Như vậy, sau một loạt nền kinh tế từ Eurozone tới Mỹ, nay đến lượt Nhật Bản - quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - đưa ra cảnh báo về cuộc khủng hoảng nợ nần trong tương lai không xa, nếu không có biện pháp phòng ngừa tốt. Tuyên bố thẳng thắn của tân Thủ tướng N.Kan về tình trạng nợ nần chồng chất của Tokyo khiến thế giới kinh ngạc, bởi từ lâu Nhật Bản vẫn được biết đến là một trong những quốc gia cung cấp viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển. Thực trạng nền kinh tế Nhật Bản những năm qua cho thấy, nguyên nhân khiến gánh nợ công nước này ngày một phình to là do Chính phủ liên tục tăng khối lượng phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách; trong khi đó, nguồn thu từ thuế lại giảm mạnh do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thực tế đáng quan ngại này đã ngay lập tức không chỉ là vấn đề nóng của riêng Nhật Bản, thách thức nghiêm trọng nội các của tân Thủ tướng N.Kan, mà còn trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nền kinh tế trong khu vực.

Khởi nguồn từ Hy Lạp, đám mây đen nợ công đang lan nhanh sang nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới từ châu Âu đến Bắc Mỹ và nay là châu Á, khiến dư luận thế giới không khỏi lo ngại khi đã nhận ra hướng đi của "cơn bão" tài chính khởi nguồn từ Mỹ cách đây gần 2 năm. Điều đáng quan tâm là, không chỉ những nước nghèo mắc nợ, mà ngay cả các cường quốc như Mỹ, EU, hay Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với nợ nần.

Như vậy, mục tiêu trước mắt của tân Thủ tướng N.Kan sẽ là triệt để khôi phục sự lành mạnh tài chính; đồng thời cải cách thuế và loại bỏ các khoản chi lãng phí. Chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu khôi phục cân bằng ngân sách, đưa chênh lệch thu - chi ngân sách trở lại thặng dư vào tài khóa 2020 sau khi cắt giảm 1/2 thâm hụt ngân sách vào tài khóa 2015. Nhưng xem ra tham vọng này không dễ dàng thành hiện thực khi nền kinh tế xứ Phù Tang đang hồi phục chậm chạp. Nợ công đang ngày càng đe dọa sự ổn định kinh tế toàn cầu và có thể hủy hoại những nỗ lực tài chính ở tầm quốc tế; đồng thời kéo dài giai đoạn sụp đổ tài chính. Chính phủ nhiều nước châu Âu đã đồng loạt thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" nhằm tránh rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, do đó không loại trừ Nhật Bản sẽ lựa chọn con đường này. Hiệu ứng "đôminô" từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp đang là bài học thời sự nóng bỏng.

Lời cảnh báo gây chấn động từ Nhật Bản - quốc gia đầu tiên ở châu Á đưa ra lời cảnh báo nhằm thoát khỏi bẫy nợ công - cho thấy, tân nội các Nhật Bản không muốn tiếp tục dựa vào phát hành trái phiếu để san bằng các khoản nợ và lại càng không muốn trao lại chúng cho các thế hệ sau trong bối cảnh dân số giảm và ngày một già đi trên đất nước Mặt trời mọc. Lời cảnh báo trực tiếp mà tân Thủ tướng N.Kan đưa ra với nền kinh tế số 1 châu Á là một thông điệp gián tiếp gửi tới không chỉ các nền kinh tế trong khu vực.

Đình Hiệp