“Phù hiệu văn hóa” Trung Quốc

Giải trí - Ngày đăng : 04:02, 13/06/2010

(HNM) - Ngày càng nhiều các thư viện được mọc lên. Ngày càng nhiều thương hiệu Trung Quốc xuất hiện trên thế giới. Ngày càng nhiều người thuộc thế hệ 8X trở thành những phát ngôn không ngừng cho xã hội. Tất cả những điều này đang trở thành "phù hiệu văn hóa" Trung Quốc năm 2010.

Triển lãm Thượng Hải - Trung tâm thế giới

Diêu Minh - Đại sứ hình tượng triển lãm thế giới 2010 đã đưa ra lời mời bạn bè thế giới: “Hy vọng mọi người tới Thượng Hải vào ngày 30-4-2010, tham gia triển lãm Thượng Hải (từ ngày 1-5 đến 31-10-2010), cùng trải nghiệm ý tưởng “thành phố khiến cuộc sống tốt đẹp hơn”. Triển lãm Thượng Hải được coi là một sự kiện lớn do Chính phủ Trung Quốc tổ chức kể từ sau Olympic 2008, được coi là “bữa yến tiệc văn minh thế giới, không cần ra khỏi cửa cũng nhìn thấu thế giới…”. Triển lãm Thượng Hải 2010 sẽ trở thành một “phù hiệu văn hóa” không chỉ riêng trong 6 tháng tổ chức triển lãm mà còn là cơ hội quan trọng đem lại sự phát triển giữa văn hóa nghệ thuật của Trung Quốc với thế giới. Đồng thời nó cũng xử lý được quan hệ giữa “tính thế giới” và “tính dân tộc” của văn hóa, thúc đẩy sự hòa hợp văn hóa thế giới.

Điện ảnh quốc nội - Bậc thềm mới

Tổng doanh thu bộ phim Tết Canh Dần Đại nghiệp dựng nước đã vượt qua con số 400 triệu tệ (khoảng 60 triệu USD), đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử phát hành phim nội Trung Quốc. Cục Điện ảnh nước này công bố, phim nội đã dẹp được áp lực của phim ngoại, chiếm con số phát hành ưu thế hơn, lên tới 56,6% tổng doanh thu phát hành 6.206 triệu tệ trên toàn thị trường năm 2009. Riêng năm 2009 có 12 phim đạt doanh thu phát hành trên 100 triệu tệ. Điều đó có nghĩa là một số ít đạo diễn như Phùng Tiểu Cương, Trương Nghệ Mưu… có thể đạt tới thành tích này đã trở thành việc quá bình thường. Ngoài việc một số ít tác phẩm của các đạo diễn có thể so sánh về doanh thu với phim của Hollywood, cũng đã xuất hiện những tác phẩm xuất sắc như phim Cuộc đua xe điên rồ (đạo diễn Ninh Hạo). Điều này đã thay đổi hoàn toàn cục diện điện ảnh Trung Quốc mà trước kia doanh thu chỉ dựa vào một vài tên tuổi. Điện ảnh nước này lấy nguồn phim nội chính quy làm chủ đạo, lấy phim thương mại làm hàng đầu, lấy những phim có vốn đầu tư lớn và trung bình thành những góc thị trường lành mạnh cần được bổ sung.

Quốc học - Tích lũy tri thức

Mấy năm trở lại đây, “phong trào quốc học” như một làn sóng lan tỏa ngày càng rộng với nhiều cách thức giảng dạy như thời cổ đại: đọc kinh, bái sư... thậm chí có nơi còn bắt được mười mấy doanh nghiệp cùng ê a đọc diễn cảm thơ vào các sáng. Các lớp tiểu học, trung học cũng bắt đầu thử nghiệm tăng thêm các tiết đọc về văn hóa truyền thống kinh điển của dân tộc. Giáo dục nhi đồng cũng thêm vào các sách tập đọc truyền thống như: Tam Tự Kinh, Thiên Tự Văn. Ở nước ngoài, các học viện Khổng Tử cũng đảm nhiệm vai trò giao lưu văn hóa. Quốc học đã trở thành một tượng trưng quan trọng nhấn mạnh màu sắc Trung Hoa, khuếch trương văn hóa.

Thế hệ 8X - Tam thập nhi lập

Tạp chí Đoàn độc ca do nhà văn Hàn Hàn phụ trách vừa được phát hành. Hàn Hàn là một trong những đại diện tiêu biểu của thế hệ 8X Trung Quốc đang ra sức tìm kiếm cho mình một sự nghiệp mới, dù vẫn không chịu bỏ thú vui riêng là “rong ruổi đua xe trên đường”. 10 năm trước, Hàn Hàn từng đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tác văn khái niệm mới và bỏ học giữa chừng khi đang học trung học. 10 năm sau, Hàn Hàn trở thành chủ nhân blog có lượt truy cập cao nhất nước, được coi là “một phần tử trí thức chung” có sức ảnh hưởng rất lớn. Sự khác biệt giữa 10 năm này đã thể hiện được những thay đổi của xã hội đối với việc giải mã thế hệ 8X. Nguyên do cũng có thể là cùng với thời gian dần trôi, thế hệ 8X đã trưởng thành.

Nhật Quang