Khi doanh nhân giúp thanh niên lập nghiệp

Chính trị - Ngày đăng : 03:59, 13/06/2010

(HNM) - Chương trình "1.000 doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên (TN) qua e-learing" được Cổng tri thức Thánh Gióng (www.thanhgiong.vn) xây dựng, triển khai từ năm 2009.

Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động "TN đi đầu trong xã hội học tập" do TƯ Hội LHTN Việt Nam phát động nhằm thực hiện đề án "Hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015" của Chính phủ. Bước đầu, chương trình đã thực sự có vai trò gắn kết giữa TN, doanh nghiệp (DN), doanh nhân với việc đào tạo tri thức làm giàu, giúp ích cho TN, SV.

Thời gian ngắn, hiệu quả cao

TN, SV cần trang bị cho bản thân những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng gì để quản lý, điều hành DN? SV muốn trực tiếp gặp mặt các nhà quản lý, doanh nhân để được trao đổi và tìm câu trả lời cho những băn khoăn về quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh? Trả lời những câu hỏi trên, các bạn trẻ chỉ cần click chuột máy tính là có thể tìm hiểu đầy đủ thông tin, có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các doanh nhân, tìm hiểu kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức thực tế. Chương trình này thực sự giúp ích cho SV năm cuối và SV mới tốt nghiệp các trường CĐ, ĐH.

Lớp học thuyết trình theo nhóm.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam cho biết: Mỗi doanh nhân sẽ dành 20 giờ tham gia gặp mặt và trao đổi qua mạng, truyền đạt các kinh nghiệm thiết thực cho TN; giúp họ nắm bắt kiến thức, giải đáp những thắc mắc mà không phải đi lại nhiều, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. 1.000 bài học thực tế của các doanh nhân là sự chia sẻ, kết hợp với các bài giảng, trắc nghiệm, tình huống thực hành sinh động qua mạng, giúp học viên tiếp thu hiệu quả nhất. Các học viên tham gia Chương trình "1.000 doanh nhân truyền kinh nghiệm cho TN qua e-learing" còn được cung cấp kỹ năng phỏng vấn như cách thức quảng bá bản thân, chuẩn bị hồ sơ, tiếp cận DN, cư xử trong phỏng vấn và đàm phán hợp đồng. Sau khóa học, các học viên còn có cơ hội tiếp tục trao đổi với doanh nhân hằng tuần qua mạng internet; về kỹ năng cá nhân như làm việc nhóm, ứng xử nội bộ DN và kỹ năng trả lời phỏng vấn tuyển dụng; kỹ năng soạn thảo hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự…

Thành công bước đầu

Theo thống kê, giai đoạn thí điểm và giai đoạn 1 của dự án thực hiện năm 2009 đã có 105 doanh nhân và 2.000 SV tham gia. Các doanh nhân là giám đốc, cán bộ quản lý cấp phòng, ban, chuyên viên của các DN trong và ngoài nước đã đăng ký tham gia giảng dạy, dự buổi tập huấn của chương trình và trong số đó, 30 người đã trực tiếp giảng dạy cho SV các trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Mở Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội và các học viên chương trình Cử nhân trực tuyến TOPICA.

Anh Nguyễn Trọng Quốc, phụ trách Cổng Thánh Gióng cho biết: Để chương trình thu hút đông đảo người học, Hội LHTN Việt Nam còn phối hợp với các đơn vị sử dụng phương pháp đào tạo kết hợp giữa gặp mặt (thảo luận, trò chơi, tình huống) và e-learning (bài giảng, thảo luận, trắc nghiệm, thực hành). Trong 6 tuần, học viên được doanh nhân giảng dạy và chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực từ chính công việc của họ theo từng chủ đề.

Cuối tháng 5-2010, đông đảo SV Trường ĐH Hà Nội đã tham dự khóa học "Kỹ năng phỏng vấn thành công" trong giai đoạn II chương trình "1.000 doanh nhân truyền kinh nghiệm cho TN qua e-learning". Chị Đỗ Thị Phương Thủy, Trưởng phòng Nhân sự của The Royal Bank of Scotland, cho biết: "Tôi đánh giá rất cao mục tiêu hướng đến SV của chương trình. Với tư cách là người đi trước, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc của các bạn SV". Tại khóa học, các SV ĐH Hà Nội có cơ hội học cách viết một CV (sơ yếu lý lịch xin việc) hoàn hảo, các tình huống phỏng vấn. Bạn Thu Trang, Trường ĐH Hà Nội nêu cảm nhận: "Tôi là SV năm thứ nhất nhưng rất thích được đi làm part time (bán thời gian) để có thêm kinh nghiệm và hiểu biết thực tế. Hy vọng tôi sẽ sớm tìm được một công việc phù hợp". Phương pháp truyền đạt của các doanh nhân là dạy kinh nghiệm thực tế, thực hành bằng cách tham gia phỏng vấn thử... Chính phương pháp truyền đạt thực tế đã giúp ích và để lại ấn tượng với SV. Ngoài ra, giảng viên còn giúp SV có cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân, tự tin hơn, vững vàng hơn trong những nhiệm vụ được giao phó.

Hiện nay, chương trình "1.000 doanh nhân truyền đạt kinh nghiệm cho TN qua e-learning" đang triển khai giai đoạn 2 trên toàn quốc với mục tiêu 200 doanh nhân tham gia giảng dạy (tăng gấp 2 lần so với kế hoạch ban đầu) và 5.000 HS, SV tham gia học tập. Dự kiến, chương trình sẽ thu hút khoảng 3 vạn SV đã tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nghiệp tham gia, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Tuấn Việt