Đừng để lạnh mới mặc áo!
Góc nhìn - Ngày đăng : 03:47, 13/06/2010
Từ chất vấn tại Quốc hội, ngẫm về thực tế thì thấy rõ nông dân bây giờ vẫn chịu nhiều thiệt thòi thật. Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ lặp đi lặp lại ở nhiều loại nông sản. Hàng đầu phải kể đến cây lúa. Năm nay, lúa vẫn trúng mùa, năng suất cao, nhưng khó bán, giá cả thì phập phù, thất thường như thời tiết. Gần đây, Chính phủ chủ trương phải bảo đảm cho người trồng lúa có lãi ít nhất 30%. Thế nhưng nhiều bà con cho rằng với mức giá cỡ chừng 4.000 đồng/kg như hiện nay thật khó có thể đạt được mục tiêu này, thậm chí nếu hạch toán đầy đủ về công lao động, về đất thuê, về giá vật tư nông nghiệp... có nơi còn lỗ. Đáng chú ý là chính sách về điều hành lúa, gạo hiện còn những bất cập. Tình trạng doanh nghiệp trong nước cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí phá nhau bằng cách bán rẻ gạo cho doanh nghiệp trung gian nước ngoài, khiến chuyện ép giá vẫn cứ xảy ra. Ngành chức năng đang xây dựng nghị định về xuất khẩu gạo, song tiếc là qua 9 lần trình mà vẫn còn những vướng mắc chưa giải quyết được. Chỉ người trồng lúa trong khi chờ đợi cơ chế thì phần thiệt đã phải nhận trước rồi.
Hiện nay, một số ngành kinh tế có đầu tư lớn, chẳng hạn công nghiệp ôtô, được bảo hộ rất cao thì sản xuất nông nghiệp, vốn là đối tượng còn yếu về tiềm lực, thì từ 3 năm nay không còn được hưởng chính sách bảo hộ. Sau khi gia nhập WTO, vốn đầu tư vào nông nghiệp đã tụt mạnh, chỉ còn 6,8% tổng đầu tư trong xã hội (năm 2000, khoảng 13%). Trong lúc WTO quy định đối tượng của các chính sách hỗ trợ trong nước là người sản xuất, nhưng chúng ta lại hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong khi nông dân (người sản xuất) được hỗ trợ rất ít. Thậm chí khi WTO cho phép hỗ trợ thu nhập cho nông dân lúc giá cả xuống thấp nhưng chúng ta lại chưa áp dụng chính sách này. Hội nhập quốc tế là tất yếu với cả ngành nông nghiệp, nhưng trước mắt do chính sách hỗ trợ chưa tốt, nên các quy định của WTO đang tác động đến hầu hết nông dân. Chẳng hạn với mặt hàng muối, nằm trong 4 mặt hàng được quyền bảo lưu khi Việt Nam gia nhập WTO với việc cấp hạn ngạch nhập khẩu. Nhưng có tới 90.000 tấn muối được nhập không theo hạn ngạch đã gây tâm lý hoang mang cho diêm dân và làm ảnh hưởng đến giá muối trong nước. Tuy Bộ Công thương nhận trách nhiệm về việc này. Nhưng thiệt hại đã xảy ra, và người thiệt thòi nhất cũng vẫn là diêm dân.
Dĩ nhiên là khó có thể kể hết những khó khăn của người làm nông nghiệp và cũng thật khó có thể giải quyết tất cả mọi chuyện trong thời gian ngắn. Có lẽ vì thế mà những câu chuyện buồn với nông dân vẫn cứ xảy ra, như nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả, hay những đầm cá tra quá lứa mà không biết bán cho ai dù đã cầm chắc trong tay bản hợp đồng có dấu son... Rồi chuyện phá cây này trồng cây khác... Cơ quan chủ quản thì vẫn rất trăn trở vì "chưa thể kiểm soát tình hình". Chỉ có người nông dân vẫn phải chịu thua thiệt.