Hệ lụy từ một cuộc chiến
Thế giới - Ngày đăng : 08:04, 12/06/2010
Binh sĩ Hà Lan sẽ rút khỏi Afghanistan trong năm 2010. |
Từ nay đến đầu tháng 7, dù 2 đảng đứng đầu VVD và đảng Lao động (PVDA) phải chạy đua trong các cuộc thương lượng với nhiều đảng nhỏ khác nhằm hình thành thế đa số trong Quốc hội, song cơ hội để CDA góp mặt trong liên minh cầm quyền rất thấp. Nguyên nhân là do hầu hết các chính đảng ở Hà Lan đều không đồng tình với ý tưởng của CDA kéo dài sự hiện diện của binh sĩ Hà Lan tại Afghanistan thêm một năm thay vì hoàn tất việc rút quân khỏi quốc gia Nam Á này vào cuối năm nay. Đây cũng chính là lý do khiến liên minh cầm quyền giữa CDA và PVDA "đứt gánh giữa đường" cách đây ít tháng.
Việc rút quân của Hà Lan, là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Mỹ, khi Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực thuyết phục các đồng minh châu Âu duy trì, thậm chí tăng cường quân số ở Afghanistan - nơi mà Oasinhtơn cho là tuyến đầu chống khủng bố. Hiện tại, bất chấp lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu tập hợp một đạo quân lên đến 87.000 người, nhưng nhiều đồng minh của Mỹ như Đức và Pháp ngày càng tỏ ra "khó bảo". Và việc Hà Lan rút quân có thể tạo ra một tiền lệ xấu.
Trên thực tế, sự tan rã của Chính phủ ở xứ Hoa tulip phần nào đã phản ánh thái độ lưỡng lự của lãnh đạo nhiều nước châu Âu trong việc gửi thêm quân hoặc kéo dài sứ mệnh quân sự tại Afghanistan. Dù vẫn ủng hộ, nhưng nhiều chính phủ và người dân châu Âu đã tỏ ra chán nản và nghi ngờ khả năng giành chiến thắng của Mỹ và NATO, cũng như thời điểm kết thúc cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan - cuộc chiến sắp bước sang năm thứ mười. Trong khi, tình trạng bạo lực ở quốc gia Nam Á này vẫn liên tục gia tăng. Ngay đêm 9-6, ít nhất 40 người chết và 70 người bị thương trong vụ đánh bom tại một lễ cưới ở gần Kandahar. Cùng ngày, một trực thăng của liên quân bị bắn hạ làm 4 binh sĩ tử vong. Như vậy, tính từ cuối tuần trước, đã có ít nhất 19 binh sĩ liên quân, trong đó có 2 lính Anh thiệt mạng ở Afghanistan.
Càng ngày dư luận châu Âu càng trở nên gay gắt hơn với việc gửi quân sang chiến trường khốc liệt này. Đây đó đã xuất hiện ý kiến cho rằng, cuộc chiến tại Afghanistan là "một chiến dịch chống khủng bố quá mức và phản tác dụng" hoặc "một cái giếng không đáy hút viện trợ phát triển quốc tế". Do vậy, sức ép từ dư luận lên lãnh đạo các quốc gia có binh sĩ tại Afghanistan ngày càng gia tăng. Thật khó để giải thích về cái chết vô lý của hàng ngàn binh lính trong thời bình và số tiền viện trợ khổng lồ để tái thiết một quốc gia xa xôi trong khi khủng hoảng tài chính đang làm cả châu Âu chao đảo.
Đây cũng là một chủ đề gây chia rẽ liên minh cầm quyền tại Đức, nhất là khi Thủ tướng Angela Merkel cam kết sẽ phái thêm khoảng 500 quân để tăng cường cho 4.300 binh sĩ ở Afghanistan. Trong khi đó Ngoại trưởng Guido Westerwelle, thuộc đảng Dân chủ Tự do, dự trù sẽ bắt đầu rút quân vào đầu năm 2011. Còn Anh, một trong những đồng minh thân cận của Mỹ dù ra tuyên bố ủng hộ chiến lược của Nhà Trắng, nhưng lại loại bỏ phần quan trọng trong chiến lược là chi 20 tỷ USD xây dựng các lực lượng an ninh Afghanistan. Thổ Nhĩ Kỳ thì khẳng định sẽ không gửi thêm quân theo đề nghị của Tổng thống Mỹ B.Obama và cam kết chỉ tham gia đào tạo lực lượng an ninh cho Afghanistan thay vì nhiệm vụ chiến đấu.
Dù Tổng thống Mỹ B.Obama đã áp dụng một chính sách được cho là có trọng điểm đối với Afghanistan hơn người tiền nhiệm, kết cục của cuộc chiến này vẫn là một bài toán chưa có lời giải. Và chắc chắn hậu quả của nó sẽ không chỉ gói gọn trong chiến trường. Sự tan rã của Chính phủ Hà Lan là một ví dụ cụ thể.