Bình ổn giá 6 tháng cuối năm: Cần những biện pháp mạnh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:53, 12/06/2010

(HNM) - Thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,55%. Bên cạnh những yếu tố khách quan khiến giá nhiều mặt hàng tăng mạnh, cơ quan quản lý giá cũng thừa nhận còn nhiều bất cập trong quản lý, điều hành giá,  gây tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Để thực hiện mục tiêu bình ổn giá trong 6 tháng cuối năm nay, cùng với việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, Bộ Tài chính sẽ áp dụng những biện pháp mạnh nhằm xử lý nghiêm những vi phạm về giá.

Công tác quản lý thị trường đã góp phần tích cực việc bình ổn giá.  Ảnh: Mai Vinh


Nhiều mặt hàng đã tăng giá hơn 50%

Tại hội nghị triển khai công tác quản lý, chỉ đạo điều hành giá những tháng cuối năm 2010 diễn ra đầu tháng 6 tại Đà Nẵng, những vấn đề "nóng" trong điều hành, quản lý giá đã được mang lên bàn nghị sự. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đầu năm 2010 hàng loạt yếu tố bất lợi đã gây sức ép lên mặt bằng giá thị trường. Giá dầu thô và nguyên liệu cơ bản trên thế giới đã tăng trở lại trong khi lượng hàng nhập khẩu vào nước ta không ngừng tăng cao khiến nhập siêu chưa thể kiểm soát được. Giá nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, như xăng dầu, phôi thép, chất dẻo, khí hóa lỏng... đã tăng hơn 50%.

Trong khi đó, từ tháng 1-2010, Chính phủ đã dừng hỗ trợ lãi suất 4% với khoản vay ngắn hạn, thay thế bằng chính sách cho vay với lãi suất thị trường khiến chi phí của doanh nghiệp (DN) tăng cao. Bên cạnh đó, việc Nhà nước và DN thực hiện lộ trình giá thị trường với một số mặt hàng thiết yếu, như xăng dầu, nước sạch, điện... cũng tạo ra sức ép tăng giá hàng hóa lớn trên thị trường. Theo Tổng cục Thống kê, CPI của 5 tháng đầu năm 2010 đã tăng ở mức 4,55%, nhiều mặt hàng trong rổ hàng hóa tính CPI đã tăng giá đột biến. Bộ Tài chính cũng thừa nhận, có không ít bất cập trong việc quản lý, điều hành giá liên quan đến việc điều chỉnh tỉ giá, lãi suất, giá xăng dầu, nước sạch... đã gây tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và thị trường. Trên thực tế, giá các mặt hàng thiết yếu những tháng đầu năm đã liên tục biến động mạnh, song việc quản lý, điều hành, can thiệp của Nhà nước nhằm bình ổn giá những mặt hàng này gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm pháp luật về giá theo Nghị định số 169 của Chính phủ đã bộc lộ nhiều hạn chế vì mức xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

Sẽ phạt nặng những sai phạm về giá
Để kiềm chế tăng giá và kiểm soát giá các mặt hàng trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá. Bên cạnh việc bảo đảm cung - cầu hàng hóa, Bộ sẽ kiểm soát chặt yếu tố hình thành giá của những mặt hàng thiết yếu qua việc đăng ký giá, kê khai giá. Với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, cơ quan quản lý giá sẽ có những giải pháp điều hành phù hợp nhằm thực hiện theo lộ trình giá thị trường, nhưng vẫn có sự điều chỉnh hợp lý, bảo đảm khi giá thế giới giảm, giá trong nước cũng giảm ngay cho phù hợp.

Trên thực tế, những ngày gần đây, Cục Quản lý giá đã 2 lần có quyết định yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán lẻ xăng, dầu. Quyết định của Bộ Tài chính được dư luận đánh giá cao, bởi sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý giá đã khắc phục phần nào những bất cập trong việc giá xăng, dầu bán lẻ trong nước thường trong tình trạng "tăng nhanh, giảm chậm" gây bức xúc cho người tiêu dùng. Đại diện Cục Quản lý giá khẳng định, tới đây sẽ đưa mặt hàng gas vào diện bình ổn giá. Với mặt hàng thuốc chữa bệnh, Bộ Tài chính đang sửa đổi quy định liên quan nhằm đưa mặt hàng này vào diện phải đăng ký, kê khai giá từ tháng 7-2010. Với mặt hàng thép xây dựng, Bộ sẽ thanh, kiểm tra thường xuyên nhằm kiểm soát chi phí, tránh việc DN nâng giá tùy tiện và yêu cầu DN sản xuất kinh doanh thép đăng ký giá, kể cả bán lẻ để kiểm soát giá bán trên thị trường.

Trước những bất cập về chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về giá, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ tăng mức xử phạt sai phạm. Mức phạt cao nhất cho những hành vi sai phạm về giá dự kiến tới 40 triệu đồng. Dự thảo mức xử phạt mới trong lĩnh vực quản lý giá sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ vào tháng
11-2010 nhằm sớm đưa vào áp dụng trong thực tế. Đại diện Cục Quản lý giá khẳng định, thời gian tới sẽ mạnh tay rút giấy phép kinh doanh, thậm chí truy tố trước pháp luật các hành vi sai phạm nghiêm trọng về giá để giữ ổn định giá thị trường trong những tháng cuối năm.

Thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh hàng thiết yếu

Theo báo cáo của thanh tra Bộ Tài chính, qua kiểm tra tại 17 DN sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, như thép xây dựng, phân bón hóa học, gas, đường ăn, sữa, thức ăn chăn nuôi, ximăng mới đây, chỉ có 1 DN đăng ký giá và 3 DN không niêm yết giá. Sắp tới thanh tra của Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra việc đăng ký, niêm yết giá tại DN kinh doanh các mặt hàng nêu trên. Danh sách các DN vi phạm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo thêm một kênh kiểm tra, kiểm soát về giá các mặt hàng thiết yếu.

Hương Ly