Khẩn trương di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm

Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 12/06/2010

(HNM) - Mấy ngày qua, nhiều nhà dân và công trình phụ tại tổ 27, phường Ngọc Lâm (Long Biên) đã bị sụt lún, đổ nghiêng ngả xuống sông Hồng. Không có thiệt hại về người, tuy nhiên, nhiều hộ dân đang phải sống trong cảnh lo âu do sạt lở bờ sông vẫn diễn biến phức tạp.

Cảnh báo khu vực nguy hiểm.


Nguy hiểm luôn rình dập
Có mặt tại vị trí K66+650 đến K66+700 đê tả Hồng thuộc tổ 27, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên (vị trí bị sạt lở đất nghiêm trọng) chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh những ngôi nhà bị sụt hẳn xuống sông, đổ nát, hơn chục ngôi nhà khác trong tình trạng nứt xé, nghiêng ngả. Quan sát của phóng viên Hànộimới, ước tính chiều dài cung sạt khoảng 50m, ăn sâu vào bờ từ 2 đến 7m, độ chênh cao cung sạt chừng 2 đến 5m. Tại vị trí này còn xuất hiện nhiều vết nứt dọc mặt đường dân sinh, điểm gần nhất cách đê tả Hồng khoảng 40m.

Bà Nguyễn Thị Mắn, tổ 27, phường Ngọc Lâm có ngôi nhà vừa bị đổ xuống sông Hồng kể, cách đây khoảng 20 ngày, khu vực này xuất hiện sụt lún, đến đầu tháng 6 trở nên nghiêm trọng hơn. Toàn bộ dãy nhà dài khoảng 200m của gia đình bà bị đổ ụp xuống sông Hồng. Khi phát hiện sự bất thường, người dân đã chủ động di dời người và tài sản ra khỏi nhà, do đó không thiệt hại đáng tiếc về người và của cải trong nhà. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm cho biết, tình trạng sụt lún diễn ra trên địa bàn tổ 27 đã làm 15 hộ bị mất nhà cửa, công trình phụ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 58 nhân khẩu. Hiện, có 9 hộ đã di chuyển toàn bộ người và tài sản đi nơi khác, 6 hộ vẫn còn tài sản nhưng chưa kịp di dời. Theo UBND phường Ngọc Lâm, hiện vẫn còn 24 hộ khác nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, năm 2006, tại vị trí này đã xảy ra sạt lở, tuy nhiên, mức độ nhẹ hơn. Thời điểm đó, chính quyền địa phương đã di dời 5 hộ gia đình. Ông Hà Đức Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, khu vực bờ tả sông Hồng, thuộc các phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm và Bồ Đề thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, diễn biến rất khó lường và nguy hiểm nhất là khi có mưa lũ. Để bảo đảm an toàn công trình đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân và hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chống sạt lở bờ tả Hồng đoạn từ K64+900 đến K67+300 thuộc địa bàn quận Long Biên, trong đó có đoạn bị sụt lún tại K66+650 đến K66+700.

Khu vực sạt lở tại phường Ngọc Lâm, Long Biên. Ảnh: Hữu Hoài


Đâu là nguyên nhân?
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng sụt lún bờ sông Hồng vừa xảy ra tại K66+650 đến K66+700 một phần do lũ tiểu mãn đổ về. Mặt khác, theo phản ánh của người dân, ở đây thường xuyên diễn ra tình trạng lén lút khai thác cát trái phép vào ban đêm. Do việc khai thác cát tùy tiện dẫn tới sự thay đổi dòng chảy của sông Hồng gây sạt lở đê, bờ sông ở phường Ngọc Thụy và Ngọc Lâm (Long Biên). Mặt khác do địa chất ở khu vực này yếu, đây lại là khu vực đông dân cư sinh sống ven bờ, nhiều nhà xây dựng kiên cố nên khi có mưa to hoặc xuất hiện lũ thường xảy ra sạt lở tại khu vực bờ sông. 

Theo nhận định của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ tả sông Hồng là do ý thức của một bộ phận dân cư chưa cao, thường xuyên đổ bừa bãi vật liệu xây dựng, chất thải, rác thải lấn chiếm hành lang đê rồi xây dựng công trình phụ, nhà tạm, thậm chí làm nhà kiên cố phá hỏng đê, chất tải nặng bờ đê dẫn đến tình trạng sạt lở.

Ông Hà Đức Trung cho rằng, trong khi chờ cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, hiện trạng dẫn đến tình trạng sạt lở bờ tả sông Hồng, quận Long Biên và phường Ngọc Lâm cần tích cực tuyên truyền vận động và kiên quyết di dời khẩn cấp những hộ dân nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trịnh Duy Hùng: Hoàn thành việc xử lý các vị trí sạt lở trong tháng 6

Hà Nội đang thỏa thuận với Bộ NN&PTNT để xử lý khẩn cấp hộ chân vị trí bị sạt lở từ K64+900 đến K67+300; hoàn thành thi công trong tháng 6-2010, kịp thời đưa công trình vào chống lũ. Trước mắt, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ, báo cáo kịp thời diễn biến sạt lở và chủ động di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm; quận Long Biên quyết liệt xử lý các trường hợp cơi nới lấn chiếm hành lang đê điều, hút cát trái phép, dẹp bỏ tình trạng đổ vật liệu, rác thải bừa bãi lấn chiếm bờ sông. Về lâu dài, quận Long Biên quy hoạch khu tái định cư di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Hoài Thu