Quản lý game online: Cần sự đồng thuận của toàn xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 19:25, 11/06/2010
Sẽ có Chỉ thị về quản lý lễ hội, hòm công đức
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Huỳnh Ngọc Đáng bức xúc trước tình trạng lễ hội quá nhiều, gây lãng phí và đôi chỗ có dấu hiệu của thương mại hóa.
Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, trong những năm gần đây, do nhu cầu của xã hội, trên cơ sở đời sống kinh tế, đời sống văn hóa ở cơ sở được nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, lễ hội mới được phát triển, góp phần phát huy giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Theo thống kê, hiện cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Lễ hội cấp bộ quản lý: 5 (0,06%); lễ hội do cấp tỉnh quản lý: 327 (4,16%); Lễ hội do cấp huyện, quận quản lý: 1.930 (24%); Lễ hội do cấp xã quản lý: 5.517 (69%); Lễ hội do thôn, làng, bản, ấp: 187 (2,3%).
Qua thực tế, việc tổ chức và quản lý lễ hội cũng đã và đang bộc lộ một số hạn chế như: đã và đang xuất hiện xu hướng mở rộng phạm vi một số lễ hội,có nơi lễ hội sử dụng một phần ngân sách nhưng mang lại hiệu quả chưa cao; có nơi có lúc còn nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, mang tính thương mại hoá, ảnh hưởng đến bản sắc và giá trị văn hóa của lễ hội; văn hóa giao tiếp, ứng xử trong lễ hội còn yếu, ý thức của người tham gia lễ hội còn hạn chế…
Để khắc phục những hạn chế này, theo Bộ trưởng, phải nâng cao về nhận thức, năng lực tổ chức và quản lý lễ hội cho các cấp chính quyền, cán bộ quản lý ngành văn hóa và cộng đồng về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến; đổi mới cơ chế và phương thức quản lý lễ hội; xã hội hóa rộng rãi nhưng không buông lỏng công tác quản lý, khai thác nguồn lực của toàn xã hội để giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội và di tích; kiểm kê khoa học, phân loại, đánh giá đầy đủ, toàn diện giá trị của các lễ hội; giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong tổ chức lễ hội, không vì khai thác nguồn lợi kinh tế mà làm sai lệch bản chất và nội dung của lễ hội… Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, khen thưởng các đơn vị, cá nhân đóng góp tích cực và có hiệu quả.
Cũng lo lắng về sự bùng nổ lễ hội, bùng nổ tín ngưỡng, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào quan tâm đến việc quản lý các hòm công đức.
“Chùa thì ít mà hòm công đức thì nhiều, đi đâu cũng ghi công đức… chúng ta đã có quản lý như thế nào về tiền này?”, đại biểu Đào hỏi.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, tình trạng đặt nhiều hòm công đức chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc, còn miền Nam và miền Trung thì không có.
“Thông qua phiên chất vấn này, chúng tôi thiết tha đề nghị với những người đi lễ hội phải chấm dứt việc này. Tiền giọt dầu vứt xuống giếng thần. Đã là giếng thần rồi mà còn vứt xuống giếng nữa thì làm sao mà thành thần được”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc quản lý hòm công đức “đang có vấn đề, chúng ta quản lý không chặt chẽ”.
“Chúng tôi đã có Chỉ thị quản lý lễ hội và việc đặt hòm công đức rồi, sắp đến chúng tôi thống nhất thảo luận cùng ban quản lý và ông chủ đền đó, nhà chùa đó đề nghị không nên để nhiều và đích thân chúng tôi sẽ đi kiểm tra, kể cả tử giọt dầu, kể cả hòm công đức”, Bộ trưởng cho biết.
Về việc tổ chức lễ khai trương, động thổ, khánh thành, đón nhận huân chương, huy chương, bằng khen... rầm rộ gây tốn kém quá nhiều thời gian và tiền của, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã được Bộ Chính trị, Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm và nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước và các hình thức khen cao.
Đề án đã được xây dựng theo hướng: Giảm tần suất và quy mô tổ chức các ngày kỷ niệm cấp nhà nước, các ngày lễ lớn 10 năm/1lần, ở cấp Trung ương và cấp địa phương có liên quan tới sự kiện; hàng năm vào dịp kỷ niệm không tổ chức lễ nhưng vẫn tổ chức tuyên truyền về sự kiện đó, không tổ chức diễu binh, diễu hành, duyệt binh trong các lễ kỷ niệm, khi cần thiết sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định. Lễ kỷ niệm cấp quốc gia, kỷ niệm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tổ chức tại Hà Nội; lễ kỷ niệm cấp quốc gia các ngày lễ lớn khác có thể tổ chức ở địa phương gắn với sự kiện đó.
Khắc phục tính hình thức trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được xây dựng với 7 phong trào cụ thể: Phong trào Xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; Phong trào Xây dựng gia đình văn hoá; Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Phong trào Xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hoá; Phong trào Xây dựng công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang… có nếp sống văn hoá; Phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; Đẩy mạnh các Phong trào học tập, lao động sáng tạo.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Phong trào đã phát triển rộng khắp trên toàn quốc và đến nay, cả nước có: 38.443/88.603 làng (thôn, ấp), tương đương 46,6%, đạt chuẩn văn hoá; 13.523.995/22.680.000 gia đình đạt chuẩn văn hoá, chiếm 60%; 70.000/90.000 khu dân cư, chiếm 78%, được đánh giá là thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; 3.663/10.998 xã, phường có nhà văn hoá, chiếm 40,3%; 37.124/88.603 thôn (ấp) có nhà văn hoá , chiếm 41,9%; 7.558/10.998 xã, phường có sân thể thao, chiếm 83,1%...
Tuy nhiên, phong trào phát triển chưa đồng đều, chất lượng và hiệu quả Phong trào còn hạn chế, chưa tạo ra được những chuyển biến vững chắc trong đời sống tinh thần của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở, các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao còn nghèo. Mức hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân nhìn chung còn thấp…
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản về tiếp tục triển khai thực hiện; rà soát, kiểm tra công nhận các danh hiệu văn hoá theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí, tránh hình thức; tiếp tục ký kết và thực hiện tốt các chương trình phối hợp về đẩy mạnh hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch, thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”…
Quản lý game online: Cần sự đồng thuận của toàn xã hội
Là vấn đề chất vấn của đại biểu Nguyễn Phụ Đông, Phạm Phương Thảo, Nguyễn Thị Thanh Huyền. Các đại biểu cho rằng, những game online bạo lực, các sản phẩm văn hóa độc hại… đang phổ biến và ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, đạo đức của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ nhưng lại chưa được ngăn chặn tích cực, hiệu quả.
Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, để ngăn chặn, không có giải pháp nào khác ngoài việc phải tăng cường kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa độc hại.
“Bây giờ phương tiện truyền hình phát triển mạnh, internet, online trực tuyến cũng gây tác động rất lớn. Và nếu như chúng ta không quản lý tốt và đặc biệt là giáo dục để làm cho người ta tự đề kháng được, chúng tôi nghĩ đây là một quá trình rất lâu, rất dài nhưng vì nó dài lâu mà chúng ta không làm thì không phải mà cương quyết làm. Nếu không thì tình trạng nó sẽ nặng nề hơn, báo động hơn”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ VH-TT&DL chỉ giám sát lĩnh vực quảng cáo, phim ảnh và nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu, còn quản lý game online thuộc Bộ thông tin và truyền thông.
Trước vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã đăng đàn trả lời về việc quản lý game online.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, để giám sát các trò chơi trực tuyến, Bộ đã triển khai kiểm tra đồng loạt các đại lý internet và các nơi tụ điểm chơi game online. Qua đợt kiểm tra này, đã kiểm tra được 641 đại lý, cảnh cáo 61, xử lý 145 và phạt tiền 152 triệu.
Bộ TT&TT cũng đã phối hợp 3 bộ để ra một Nghị quyết hoặc một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thay cho Thông tư liên tịch số 60 đã lạc hậu so với thực tiễn và hiện nay, qua dự thảo 7 lần, các cơ quan liên quan tham gia đều đồng tình rất cao. Trong tháng 6 này, nghị quyết sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ để ban hành. Nghị quyết này tập trung 3 vấn đề về quản lý: quản lý dở chừng, quản lý người chơi, quản lý nội dung chơi, đồng thời nâng các mức xử phạt hành chính lên cao hơn sao cho đủ sức răn đe.
Song song đó, Bộ đã chỉ đạo ra đời mạng xã hội Việt Nam gov.Việt Nam, tạo sân chơi giao lưu cho thế hệ trẻ Việt Nam và công dân Việt Nam, đặc biệt là công dân mạng, qua đó giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử; chỉ đạo quyết liệt sản xuất game online trong nước với nội dung lành mạnh liên quan đến giáo dục truyền thống, lịch sử như Thánh Gióng, Cuội và Trăng, Tấm Cám, Sơn tinh, Thuỷ tinh, các anh hùng dân tộc, đặc biệt những vấn đề liên quan đến ngàn năm Thăng Long lịch sử.
“Chúng tôi nghĩ rằng nếu những nội dung tốt các em có chơi quá đi một tí thì cũng hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, truyền thống Việt Nam và mức độ ảnh hưởng ít hơn”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng cho biết, hiện Bộ đang kiểm tra 18 cơ sở cung cấp dịch vụ game online trên 44 cơ sở cung cấp trong nước và 35 cơ sở cung cấp của nước ngoài, cố gắng trong tháng 6 và chậm nhất là giữa tháng 7 thì hoàn tất. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ sẽ có các giải pháp quản lý tốt hơn và sát với thực tiễn hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để việc quản lý đạt hiệu quả, rất cần sự đồng thuận của toàn xã hội, sự tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị.
“Chúng tôi vẫn nhận thức rằng, một xã hội kỷ cương thì những người tốt có điểm tựa, có chỗ dựa và không kỷ cương thì những người không tốt sẽ có cơ hội lan tỏa là điều rất bất lợi cho quản lý nhà nước. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để bức xúc của Quốc hội giảm, chứ đây là một vấn đề rất lớn cả xã hội phải vào cuộc”, Bộ trưởng nói.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng tham gia cung cấp thêm thông tin xung quanh việc quản lý Nhà nước với game online và tình trạng bạo lực học đường có biểu hiện gia tăng trong thời gian vừa qua.
“Trong nhà trường chúng ta không có hoạt động gì có hình mẫu về học sinh đánh nhau cả, nội dung giáo dục không khuyến khích việc này, có một số ít bạo lực gia đình hoặc đường phố cũng không phải lớn. Bây giờ, chúng tôi nghiên cứu thấy có một môi trường mà các em quan sát việc hành vi đánh nhau thường xuyên hoặc có thể thực hành đánh nhau ảo, do chính là tham gia các trò chơi qua mạng”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, trong đợt khảo sát tháng 5 vừa qua mà Bộ có tham gia tại 5 thành phố trong cả nước có trên 100 điểm và hơn 1.000 học sinh từ tiểu học, đại học, có một số thông tin rất đáng quan tâm: các trò chơi ở trên mạng ngày nay chiếm 77% là trò chơi bạo lực, đánh nhau, giết người các loại; 9% có tính cờ bạc và chỉ có 14% là bóng đá, múa và đua xe.
Về tỷ lệ chơi, cũng qua đợt điều tra trên cho thấy, ở cấp tiểu học, 2/3 học sinh đã chơi trò chơi ít nhất 1 lần trong 1 tuần cho đến 8 lần; trung học cơ sở, trung học phổ thông là 81% và đại học là 75%.
“Khi các em tham gia trò chơi có thể đánh, bắn hoặc giết người, không chịu bất cứ một chế tài nào về mặt tâm lý, tình cảm xã hội cũng như luật pháp. Tham gia vào đây được hành động mà không có chế tài, tạo một phản ứng, một phản xạ rất không tốt”, Bộ trưởng nói.
Để có bức tranh rõ hơn, Bộ GD&ĐT dự kiến sắp tới sẽ cùng với ngành công an, ngành thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch khảo sát các địa phương, thị trấn còn lại.
“Chúng ta nên có thảo luận là những trò chơi bạo lực đó có nên cho phép hay không? Cho phép lứa tuổi nào để phù hợp văn hóa? Việc này phải thảo luận rất khoa học và rộng rãi trong xã hội”, Bộ trưởng đề xuất.
Bộ trưởng cũng cho rằng, Nhà nước cần phải quản lý những điểm chơi trên internet tốt hơn, bởi hiện đang xuất hiện một tình trạng là hầu hết các điểm chơi trò chơi trực tuyến bán kèm thức ăn ngay tại chỗ, như vậy càng khiến người chơi chơi lâu hơn, trong khi việc này là vi phạm quy chế internet.
“Thật sự đây là vấn đề hết sức đáng quan tâm. Trong vòng 3 tháng tới, Bộ GD&ĐT cùng ngành văn hóa, công an và thông tin và truyền thông sẽ làm tiếp chuyên đề sâu hơn”, Bộ trưởng nói.