Hà Nội loanh quanh với giải pháp "bịt, mở" ngã tư

Đời sống - Ngày đăng : 14:18, 11/06/2010

Năm 2009, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để tổ chức lại giao thông, trong đó ưu tiên thực hiện giải pháp tình thế là

Tuy nhiên, sau gần một năm "bịt," các điểm ùn tắc cũ được cải thiện thì các điểm ùn tắc mới lại phát sinh. Trước thực tế này, ngành giao thông Hà Nội lại cho "mở" thử một số ngã tư bị "bịt," tổ chức điều khiển giao thông bằng hệ thống đèn tín hiệu như trước đây...

Vẫn là giải pháp xử lý... tình thế

Chỉ trong một tuần đầu tháng Sáu, ngành giao thông Hà Nội đã cho mở lại các hàng rào chắn bằng inox bịt tại ba ngã tư Láng-Nguyễn Chí Thanh, La Thành-Giảng Võ, La Thành-Nguyễn Chí Thanh, khiến không chỉ người dân sinh sống trên những tuyến phố này ngạc nhiên, mà phần lớn người tham gia giao thông thường xuyên qua lại nút giao thông này đều không khỏi bất ngờ.

Nút ngã tư Giảng Võ-La Thành thông thoáng hơn sau khi dỡ bỏ hàng rào inox ngăn ngã tư. (Ảnh: Internet)


Chị Hoài Thu (Cầu Giấy) làm việc tại một công ty có trụ sở trên phố Giảng Võ cho biết: "Ngày nào tôi cũng đi qua ngã tư La Thành-Giảng Võ, đã thấy quen với ngã tư bị "bịt," quen với việc rẽ phải rồi quay vòng lại và thỉnh thoảng cũng rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ. Bây giờ, ngành giao thông cho gỡ bỏ hàng rào chắn bằng inox tại đây, đường phố bỗng nhiên trở nên thông thoáng. Tuy nhiên, do hệ thống đèn tín hiệu hoạt động trở lại, nếu không để ý khi đang lưu thông, rất dễ vi phạm luật vì vượt đèn đỏ.”

Quan sát tại nút giao thông La Thành-Nguyễn Chí Thanh và Láng-Nguyễn Chí Thanh mấy ngày qua cho thấy, các phương tiện tham gia giao thông đã tuân thủ theo hệ thống đèn tín hiệu cũ. Mặc dù ngành giao thông Hà Nội đã kịp thời cắm thêm một số biển chỉ dẫn mới cấm ôtô rẽ trái, nhưng một số biển chỉ dẫn các phương tiện đi vòng vẫn còn đang bị... tháo dở, nếu chủ các ôtô thiếu quan sát rất dễ vi phạm luật.

Chị Thanh Hoa, bán giải khát gần ngã tư La Thành-Nguyễn Chí Thanh cho hay mấy ngày qua, tình trạng các lái xe chưa quen với việc tháo dỡ rào chắn ngã tư, đi sai đường bị lực lượng cảnh sát giao thông bắt giữ, xử phạt khá nhiều. Việc mở ngã tư có vẻ làm cho nút giao thông này hiện nay trở nên thoáng hơn, nhưng mở vội mở vàng mà thiếu lực lượng chuyên ngành phân luồng từ xa, hoặc không tuyên truyền khiến người tham gia giao thông chẳng biết đâu mà lần.

Tại ngã tư Giảng Võ-Đê La Thành, cũng như nhiều ngã tư trước đây khi chưa bị bịt bằng hàng rào chắn inox, cảnh ùn tắc thường xuyên diễn ra bất cứ khi nào có ôtô quay đầu hoặc các phương tiện chưa kịp qua ngã tư theo tín hiệu chỉ dẫn của hệ thống đèn, dẫn đến ùn ứ giao thông cục bộ, nên ngành giao thông đã cho đặt hàng rào chắn bằng inox để bịt ngã tư, buộc các phương tiện phải đi thẳng tới điểm quay đầu gần nhất mới được quay đầu xe.

Giải pháp tình thế này thời gian đầu thực hiện mang lại hiệu quả nhất định, các dòng phương tiện lưu thông thuận tiện, không còn cảnh giao thông "hỗn dòng," lộn xộn tại các ngã tư. Tuy nhiên, đến nay, giải pháp này đã tỏ ra không còn tác dụng tại nhiều ngã tư, do lưu lượng phương tiện gia tăng, dồn ứ, đường sá thì không được mở rộng, các điểm quay đầu xe gần với nút giao thông bị bịt, gây ra những điểm ùn tắc mới, nhất là vào giờ cao điểm.

Theo Trung tá Phạm Công Dũng, Đội cảnh sát giao thông số 3 trực hướng dẫn giao thông tại ngã tư Giảng Võ-Đê La Thành, thì việc mở ngã tư này mấy ngày qua đã tạo điều kiện cho các dòng phương tiện lưu thông thông thoáng, so với trước ít xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, nhưng đây mới chỉ là mở thử để theo dõi.

Lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giao thông tại nút giao thông này trong những ngày tới, nếu thấy hợp lý thì sẽ có phương án tổ chức lại nút ngã tư này.

Điều cần nhất là xây dựng ý thức giao thông

Tại cuộc họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội mới đây, Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo lãnh đạo thành phố, thừa nhận giải pháp "bịt" ngã tư đã giúp giải quyết nhiều điểm ùn tắc, nhưng cũng đang làm phát sinh các điểm ùn tắc mới. Nguyên nhân cơ bản làm phát sinh các điểm ùn tắc mới trên địa bàn là do kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu và phân bố chưa hợp lý.

Thành phố chưa có tuyến đường vành đai nào hoàn chỉnh, trong khi nhiều tuyến có mặt cắt hẹp (80% mặt cắt dưới 11m), nhiều điểm giao cắt...

Bên cạnh đó, số lượng phương tiện cá nhân tăng quá nhanh khiến năng lực thông hành của các tuyến phố thường xuyên bị quá tải, nhiều chủng loại phương tiện cùng tham gia lưu thông gây khó cho công tác tổ chức giao thông... dẫn đến tình trạng ùn tắc khó kiểm soát tại các điểm ngã tư bị bịt.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng giải pháp "bịt" ngã tư đang bộc lộ nhiều hạn chế, như nguy cơ gia tăng tai nạn với người đi bộ, người khuyết tật tại các vị trí tạo dòng xe quay đầu do tốc độ dòng giao thông cao trên hướng ưu tiên. Một bộ phận người dân tham gia giao thông không tuân thủ đúng biển báo hướng dẫn và vạch sơn, đi ngược chiều đường, chuyển làn, cắt ngang dòng phương tiện dẫn đến ùn tắc cục bộ trên một số tuyến. Việc mở các ngã tư bị bịt trước đây có phần làm cho giao thông thông thoáng, giải quyết ùn tắc cục bộ tại một số tuyến.

Tuy nhiên, có vấn đề là do hiện nay học sinh đã vào kỳ nghỉ hè, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội lại đang thực hiện nghiêm Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông có thể giảm mạnh.

Bắt đầu từ đầu tháng Chín, khi học sinh, sinh viên nhập trường, hàng loạt điểm ùn tắc mới chắc chắn sẽ phát sinh, giao thông rất có thể sẽ tiếp tục hỗn loạn tại các ngã rẽ mới...

Thực tế cho thấy với điều kiện đường sá hạn chế như hiện nay của Hà Nội, việc phân làn đường từ xa không hề dễ dàng. Cứ đến ngã năm, ngã tư hay ngã ba, các loại xe máy, ôtô thấy chỗ trống là nhanh chóng lấn đường, xe nọ vượt lên chặn đầu xe kia, cộng với mật độ người tham gia đông đúc, nên tắc đường là chuyện bình thường.

Rõ ràng, trong bối cảnh giao thông "rối như tơ vò" đó, giải pháp bịt hay mở ngã tư cũng chỉ là phương án trước mắt, tình thế, rồi đâu lại vào đấy, nếu ý thức người tham gia giao thông kém...

Câu chuyện khắc phục các hạn chế về giao thông của Thủ đô không thể nôn nóng ngày một, ngày hai mà là cả một "cuộc chiến" lâu dài cần có sự tham gia của toàn xã hội, trong đó ý thức tự giác của người tham gia giao thông đóng vai trò quyết định.

Vietnam+