Mối nguy hiểm tiềm ẩn trong những bữa ăn công nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 08:00, 11/06/2010

(HNM) - Với nhịp sống tất bật hiện nay, càng có nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

(HNM) - Với nhịp sống tất bật hiện nay, càng có nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thế nhưng, trong những bữa ăn “nhanh, gọn, rẻ, tiện lợi” đó lại ẩn chứa những nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe mà không phải ai cũng biết. Một trong những mối nguy hàng đầu là loại chất béo “đặc biệt” có tên gọi Trans fat.

Trans fat - kẻ thù núp bóng vị giác
Có một thực tế đáng lo ngại là trong những “bữa ăn hàng ngày” của thời đại công nghiệp, người tiêu dùng đang tiêu thụ những thành phần có hại cho sức khỏe mà không hay biết vì cảm giác ngon lành và hấp dẫn mà chúng mang lại. Điển hình là chất béo chuyển hóa (Trans fat). Trans fat là “bí quyết” của các nhà sản xuất bánh ngọt và các thực phẩm chế biến sẵn để làm tăng thêm vị ngon của thức ăn cũng như thời gian tồn trữ lâu hơn thông qua việc sử dụng dầu đã bị hydro hóa.

Tuy nhiên, “kẻ thù núp bóng vị giác” này lại vô cùng nguy hiểm. Theo công bố của tổ chức Y tế thế giới, Trans fat làm tăng mức cholesterol gây hại (low-density lipoprotein - LDL) đồng thời làm hạ cholesterol tốt (high-density lipoprotein - HDL) trong máu dẫn đến nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch. Nghiên cứu của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh vào năm 2007 cũng cho thấy, các acid béo Trans chiếm chỗ của các acid béo thiết yếu hỗ trợ quá trình lưu thông máu như omega-6 và omega-3. Trans fat cũng gây viêm thành mạch và làm thay đổi thành phần màng tế bào giúp cho Calcium (Ca) dễ đi qua. Sự viêm thành mạch, hàm lượng LDL - cholesterol cao, động mạch bị Calci hóa là những yếu tố gây nên bệnh xơ vữa động mạch. Ngoài ra, Trans fat còn gây ức chế enzym chuyển hóa omega-6 thành acid arachidonic, acid này cần cho quá trình sản xuất prostacylin (giúp tăng cường sự lưu thông máu) và thromboxane (điều hóa sự đông máu giúp lành vết thương), do đó các huyết khối dễ dàng hình thành và phát triển dẫn tới nguy cơ bị đột quị.

Hãy nói “không” với thực phẩm có chứa Trans fat
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, đa số thông tin của các sản phẩm ít khi được các nhà sản xuất ghi lượng chất béo dưới dạng Trans này với tỷ lệ bao nhiêu, mà chỉ ghi hai loại tổng lượng chất béo bão hoà và không bão hoà trên các nhãn dầu ăn, mỳ ăn liền… Mới đây, các cơ quan quản lý thực phẩm tại TP.HCM đã phát hiện nhiều sản phẩm dầu ăn, mỳ gói có chứa Trans fat. Số liệu từ trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM, thuộc sở Khoa học và công nghệ TPHCM cho thấy: trong 34 mẫu mỳ gói, phát hiện tới 38% số mẫu chứa Trans fat, còn trong gần 20 mẫu dầu ăn được đưa đến đo lường, trung tâm mới chỉ thực hiện đo 7 mẫu, trong đó đã có tới 3 mẫu (43%) với tỷ lệ Trans fat từ 2-2,2%, cao hơn ngưỡng cho phép ở Mỹ.

Trong khi đó, ý thức được tác hại của Trans fat, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã ban hành những quy định pháp lý chặt chẽ để hạn chế bớt sự hiện diện của chất béo độc hại này trong thực phẩm công nghiệp. Canada bắt buộc các nhà sản xuất thực phẩm kể từ năm 2005 phải ghi rõ hàm lượng Trans fat trên bao bì, và sản phẩm phải chứa ít hơn 0.2 g (tức 2%) Trans cho mỗi một phần chuẩn (per serving). Tại Hoa kỳ, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA ấn định thành phần này ở mức 0.5g. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên giới hạn sự tiêu thụ Trans fat ở mức 3 g/ngày. Nhiều thành phố như New York, Philadelphia, Boston hoặc vùng Puerto Rico cũng đã có những đạo luật cấm các nhà hàng dùng Trans fat trong việc chế biến thực phẩm.

Phản ứng của các quốc gia trên cho thấy Trans fat rõ ràng là một loại chất béo có hại cho sức khỏe. Để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng cũng cần bảo vệ mình bằng cách đọc kỹ thông tin thành phần sản phẩm trên bao bì.

Thanh Vân