Cây đời pháp luật!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:41, 11/06/2010
Nhiều người đã biết, có những dự luật tới cả chục năm không được Quốc hội thông qua; không ít bộ luật vừa được thông qua đã phải sửa đổi, bổ sung; văn bản thực hiện thường ra sau luật đã có hiệu lực rất lâu và thiếu thống nhất; biện pháp xử lý (chế tài) không rõ ràng.
Hơn nữa, nguyên tắc soạn thảo luật cũng cần được xem xét lại cho hợp lý. Thật khó khách quan nếu luật về ngành nào do ngành ấy soạn thảo: Luật thuế do Tổng cục Thuế, luật xây dựng do Bộ Xây dựng soạn thảo… Họ là những chuyên gia nhưng họ không thể vừa đá bóng vừa thổi còi. Đại biểu Quốc hội của chúng ta, không có chuyên gia luật pháp cần thiết và chuyên gia tư vấn kỹ thuật nên khó có thể nắm được hết những vấn đề sau của dự luật đang thảo luận. Và do vậy không ít đại biểu chỉ đưa ra được những yêu cầu, góp ý chung chung.
Sức sống của luật không chỉ ở chế tài, mà trước hết là tính khả thi. Luật sẽ ra sao nếu không thể thi hành? Như phạt người đi bộ, hút thuốc lá nơi công cộng, đổ rác ra đường?... Một bộ luật chưa thể ban hành nếu như chỉ mới dựa vào tính cấp bách mà chưa chuẩn bị đủ mọi điều kiện cần thiết về pháp lý, về vật chất, con người để bảo đảm rằng luật chắc chắn sẽ được thực thi. Nếu không luật sẽ không những không có tác dụng mà còn kích hoạt cho hàng loạt phản ứng dây chuyền nhờn luật, thậm chí phạm luật.
Nhiều năm qua đất nước không thể yên tâm về chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Từ năm 1987 đến 2009 số trường đại học, cao đẳng và cán bộ giảng dạy tăng 3 lần, còn sinh viên tăng 13 lần. Thực tế thay đổi nhanh như vậy nhưng việc xây dựng luật giáo dục quá chậm nếu không nói là không vội. Mãi năm 1999 Luật Giáo dục mới có hiệu lực; rồi phải mất gần 6 năm nữa mới tạm đủ những văn bản cần thiết hướng dẫn thực hiện luật...
Quy trình soạn thảo, ban hành, thực hiện luật của chúng ta khập khiễng cũng dễ hiểu. Thế kỷ XXI rồi, chúng ta đã có hơn 400 trường đại học, cao đẳng, gần 2 triệu sinh viên, hàng vạn giáo sư, tiến sĩ và hàng trăm viện nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, nhưng mỗi khi nói đến một hiện tượng gì trong nước (biến đổi khí hậu, tội phạm vị thành niên, khả năng nghiên cứu khoa học, hay thậm chí rùa Hồ Gươm...) các nhà khoa học của chúng ta đều phải viện dẫn số liệu của nước ngoài.
Người xưa từng nói, mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi. Cây đời pháp luật của chúng ta chỉ thực sự xanh tươi, phát triển nếu nó phù hợp với "khí hậu", "thổ nhưỡng" và điều kiện chăm sóc của chúng ta.