Cuộc trưng bày lớn của xuất bản về Thủ đô nghìn tuổi
Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 11/06/2010
Một diện mạo sách về Thăng Long - Hà Nội
TLHC Sách quốc tế Việt Nam lần đầu diễn ra năm 2005 và đều đặn hai năm một lần. Tuy nhiên, sau lần 2 năm 2007, TLHC lần 3 thay vì diễn ra vào năm 2009 đã được thống nhất lui vào đúng dịp trọng đại khi Thủ đô tròn nghìn tuổi.
Tổng tập Nghìn năm Văn hiến Thăng Long sẽ được trưng bày tại Hội chợ Sách quốc tế Việt Nam lần thứ III. |
Ông Lý Bá Toàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết, ấn phẩm xuất bản kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ là phần trung tâm của triển lãm. NXB Hà Nội cùng Công ty Phát hành sách Hà Nội là những đơn vị chủ lực trong việc cung cấp, tổ chức các ấn phẩm về chủ đề này. Như vậy, có thể hình dung trong cuộc ra quân của ngành xuất bản lần này, bạn đọc Thủ đô và cả nước có thể thấy được diện mạo xuất bản phẩm về Thăng Long - Hà Nội trước thềm Đại lễ. Chỉ nhìn qua thời gian gần đây, xuất bản Việt Nam đã mang đến cho độc giả những tác phẩm lớn, công phu về Hà Nội, tuy rằng vẫn còn cần bổ sung, song đã trở thành những dấu mốc của ngành in và xuất bản. Có thể kể đến bộ Bách khoa thư đầu tiên về Hà Nội của NXB Thời Đại (Hội Xuất bản Việt Nam), Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long (NXB Văn hóa Thông tin) và gần 20 đầu sách đã, đang in của dự án "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" (NXB Hà Nội) cùng hàng loạt đầu sách khác do các NXB và nhà sách phối hợp xuất bản và giới thiệu trước đó.
Chưa kể hiện nay các hội VHNT chuyên ngành TƯ và Hà Nội cũng đang chuẩn bị cho ra mắt các ấn phẩm tổng hợp một chặng đường dài hoạt động của các đơn vị gắn liền với Thủ đô Hà Nội. Có thể kể đến sách lý luận, ảnh về kiến trúc, múa, nhiếp ảnh, sân khấu...
TLHC Sách quốc tế năm nay cũng là lần đầu tiên tổ chức trên diện tích lớn, 5.000m2, cả trong nhà và ngoài trời tại địa chỉ triển lãm chuyên nghiệp - Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Giảng Võ. Đây là điều kiện bước đầu thuận lợi cho việc ra mắt và giới thiệu với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế các ấn phẩm về mảnh đất thiêng đã vào nghìn tuổi, về đất nước, con người Việt Nam.
Thúc đẩy giao dịch bản quyền, hội nhập quốc tế
Theo ông Lý Bá Toàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản thì hội chợ sách nên được hiểu là nơi quảng bá, giới thiệu sản phẩm giữa các đơn vị với nhau và nhất là với bạn đọc, đồng thời thúc đẩy giao dịch bản quyền; chứ không chỉ là việc tính toán lỗ lãi. Ở Hội chợ Sách Frankfurt (Đức), đến ngày cuối cùng mới cho bán sách.
TLHC Sách quốc tế dịp này dự kiến có sự tham gia của các NXB trên cả nước (60 NXB), các công ty phát hành sách, các nhà sách, cơ sở in… cùng khoảng gần 30 đơn vị nước ngoài, một cơ hội không nhỏ để giới thiệu sản phẩm, trong đó có những thành tựu về in ấn của Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ cũng nên xem hội chợ như một dịp thúc đẩy việc thực hiện đăng ký mã vạch quốc tế (một thứ visa để sách Việt Nam có thể được mua bán, giao dịch trên thị trường thế giới). Hiện nay, cả nước mới chỉ có khoảng 6-7 NXB thực hiện đăng ký mã vạch quốc tế. Một vấn đề nữa luôn là câu chuyện nóng trong các kỳ hội chợ sách là chống sách lậu và nói "không" với việc mua sách lậu. Thiết nghĩ, đây là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, song không thể thiếu sự tích cực vào cuộc của chính các đơn vị xuất bản, phát hành sách. Cuộc vận động "Nói không với sách không có nguồn gốc" của ngành phát hành sách từ năm 2006 có lẽ cũng cần được tiếp sức từ chính những hội chợ sách như trên. Mới đây ở Hà Nội, một nhà sách mới khai trương đã lấy tên khá ấn tượng: "Nhà sách có bản quyền". "Đây là một dấu hiệu tích cực của đơn vị phát hành đối với vấn đề khó khăn này" - ông Lý Bá Toàn khẳng định.
TLHC Sách quốc tế Việt Nam lần thứ 3 còn hơn hai tháng nữa mới diễn ra, nhưng ý nghĩa của nó đã được xác định rõ ràng. Và để thành công, mọi công tác chuẩn bị từ nay đến lúc đó đóng vai trò quyết định. Hội chợ Sách TP Hồ Chí Minh vừa qua có thể đã mang lại cho những người tổ chức nhiều kinh nghiệm thiết thực.