Triển lãm báo chí Việt Nam (1865 - 1954), quá trình hình thành và phát triển

Văn hóa - Ngày đăng : 07:29, 10/06/2010

(HNMO) - Nhân kỷ niệm 85 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2010), từ ngày 16/6/2010 đến 20/6/2010 tại Thư viện Hà Nội, diễn đàn Sachxua.net, Thư viện Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức Triển lãm “Báo chí Việt Nam (1865-1954) – Quá trình hình thành và phát triển”.

Sachxua.net, Thư viện Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức Triển lãm “Báo chí Việt Nam (1865-1954) – Quá trình hình thành và phát triển”.

Lịch sử văn học Việt Nam thời cận đại gắn liền với sự hình thành và phát triển của báo chí. Có thể nói, văn học quốc ngữ đã thoát thai từ báo chí với rất nhiều tác phẩm văn học xuất hiện đầu tiên trên mặt báo trước khi được in thành sách.

Trong suốt 145 năm qua, kể từ khi tờ báo đầu tiên của nước nhà (tờ Gia Định Báo) ra đời, việc trưng bày cho công chúng một cách có hệ thống về diện mạo báo chí Việt Nam chỉ được thực hiện hai lần. Lần thứ nhất năm 1943 được nhà sách Nguyễn Khánh Đàm (em nhà văn Nguyễn Tuân) tổ chức tại Sài Gòn. Cuộc trưng bày lần thứ hai diễn ra vào năm 1966 cũng tại Sài Gòn.

Từ ngày 16/6/2010, công chúng sẽ có dịp tham quan cuộc triển lãm thứ 3 về diện mạo báo chí Việt Nam, nối tiếp hai cuộc triển lãm diễn ra trước tại Sài Gòn. Cuộc triển lãm lần này sẽ giới thiệu đến công chúng nền báo chí nước nhà từ khi hình thành vào năm 1865 đến năm 1954 qua những ấn phẩm quý hiếm, đồng thời nhằm tôn vinh những nhà báo, những tờ báo tên tuổi đã làm rạng danh cho nền báo chí Việt Nam.

Tại đây sẽ trưng bày khoảng 150 tờ báo quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam; các hiện vật có liên quan đến nghề báo như mũ, máy ảnh, thẻ nhà báo của các nhà báo nổi tiếng như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng v.v…; hình ảnh các nhà báo tên tuổi, các tòa báo xưa v.v… Đặc biệt tại đây sẽ trưng bày thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam bộ (bản gốc có chữ ký của Bác) để đăng báo Cứu quốc năm 1946.

H.Đ