Lao động trẻ em: Nhiều thiệt thòi, lắm nguy cơ

Đời sống - Ngày đăng : 06:41, 10/06/2010

(HNM) - Cho đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một cuộc điều tra chính thức với quy mô toàn quốc về lao động trẻ em (LĐTE). Và tình trạng trẻ em (TE) phải lao động sớm cùng những rủi ro, thiệt thòi, nguy cơ độc hại ngày càng gia tăng. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ đang xây dựng đề án xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em.

Nhiều trẻ em phải làm công việc khai thác đá nặng nhọc. Ảnh: Hoàng Hà


Mưu sinh và thiệt thòi
Số liệu nghiên cứu mới nhất do Viện Gia đình và Giới điều tra tại 8 tỉnh, thành và ở 3 làng nghề cho thấy: gần 40% trẻ em phải làm việc trong môi trường có nồng độ bụi cao, 45% em phải làm việc trong điều kiện không bảo đảm về nhiệt độ, ánh sáng; trên 27% bị ảnh hưởng của hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí, hơi, khí độc hại nơi làm việc.

Điều tra cho thấy thiệt thòi đầu tiên là trẻ phải bỏ học ở lứa tuổi 10-11 (sau khi học xong tiểu học) và ở độ tuổi 14-15 (sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở). Trong số này, TE có thời gian thôi học từ 1 năm trở lên chiếm 81%. Có một số ít trường hợp TE chưa từng đi học, không biết chữ hoặc tái mù chữ do đã bỏ học từ lâu.

Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ em phải bỏ học, sớm đi vào con đường mưu sinh là do không có tiền trang trải cuộc sống. Một số nguyên nhân khác là do trẻ học kém, chán học, hoặc do trình độ nhận thức của cha mẹ thấp, không coi trọng việc học tập của trẻ em. Hầu hết LĐTE không được tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Các em làm nghề tự do như đánh giày, bán báo, nhặt rác, phụ hàng cơm và một số ít làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Em Nguyễn Văn Huy, một trẻ đánh giày khu vực Cầu Giấy cho biết, nhà em ở Thái Nguyên. Năm 2006, bố mẹ em phải vào tù vì buôn bán ma túy, lúc đó Huy mới 12 tuổi. Sau khi bố mẹ bị bắt, chán nản em bỏ xuống Hà Nội đi đánh giày. Ngày đi đánh giày, đêm đến ngủ ở cầu thang các khu chung cư, em được một bà bán phở gọi vào phụ giúp lúc đông khách. Vừa đánh giày, vừa phụ quán phở, đến nay được gần 4 năm.

Đối với các trường hợp như của Huy - nhóm TE di cư từ nông thôn làm thuê tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn luôn chịu thiệt thòi bởi chủ sử dụng xem việc thuê LĐTE là sự tận thu LĐ rẻ mạt, không phải ràng buộc bằng hợp đồng, không phải thực hiện các chế độ BHXH cũng như các chế độ khác. Cách đây không lâu TP Hồ Chí Minh đã từng tồn tại những đường dây cung cấp LĐTE từ nông thôn ra thành phố làm việc. Đây cũng là địa bàn nhức nhối nhất về tệ nạn bóc lột, lạm dụng vắt kiệt sức LĐTE dưới nhiều hình thức.

Thống kê cho thấy, số giờ làm việc bình quân trong ngày của TE thường là 4-5 tiếng, độ dài công việc còn tùy thuộc vào loại hình công việc, tính chất mùa vụ, độ tuổi. TE làm trong một số ngành như dệt may, giày da, hay chế biến thực phẩm... lên tới 8-9 tiếng mỗi ngày, nhất là khi vào mùa vụ sản xuất thì thời gian làm việc tới 12 tiếng/ngày. Đối với TE bán báo, xổ số, đánh giày, nhặt ve chai, nhặt rác thì độ dài công việc cũng không ít hơn so với đi làm thuê trong các ngành dệt may hay giày da. Thu nhập của LĐTE thấp, trung bình ở mức 500-800.000 đồng/tháng.

Chưa thực sự được quan tâm
Đã nhìn thấy những thiệt thòi của LĐTE nhưng ở hầu hết các tỉnh, chính quyền và các cơ quan địa phương chưa quan tâm nhiều đến các hoạt động phòng và chống lạm dụng LĐTE. Một ví dụ điển hình là TP Hồ Chí Minh, có 1,8 triệu trẻ em, trong đó có tới 30% là trẻ nhập cư. Ước tính của Sở LĐ-TB&XH TP này, có tới 90% số TE đường phố, trẻ làm giúp việc gia đình, trẻ đi làm thuê trong các cơ sở sản xuất kinh doanh... là trẻ đến từ 35 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó chủ yếu là các tỉnh từ miền Trung và miền Nam. Trong khi đó theo thống kê của sở LĐ-TB&XH nhiều tỉnh thì số TE bỏ học đi lao động của tỉnh rất thấp. Nhiều cán bộ chuyên trách về chăm sóc và bảo vệ TE các tỉnh đều cho rằng, thực trạng về mức độ, số lượng LĐTE, kể cả TE làm việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại đều cao hơn so với số liệu báo cáo. Điều này cho thấy thống kê và báo cáo như hiện nay chưa phản ánh được tình hình thực tế về LĐTE đang diễn ra ở địa phương.

Hằng năm, ngày 12-6 là Ngày Thế giới chống LĐTE. Các quốc gia thành viên của ILO đã đặt ra mục tiêu: xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất vào năm 2016. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Thanh Hòa cho biết: LĐTE không chỉ ở những vùng nghèo, mà còn ở những nơi phát triển như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Để xóa bỏ các hình thức LĐTE tại Việt Nam, cùng với các chiến dịch chung, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phát động chiến dịch "Thẻ đỏ cho LĐTE" vào ngày 12-6 tới.

Kim Vũ