Cánh tay nối dài của chính sách an sinh xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 06:31, 10/06/2010
Ngày 16-2-1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở trung ương và địa phương. Chức năng chính là giải quyết các chế độ chính sách, tổ chức thu, chi bảo tồn giá trị và tăng trưởng quỹ BHXH.
Để bảo đảm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động ở khu vực Hà Nội, ngày 15-6-1996, BHXH Hà Nội đã chính thức thành lập trên cơ sở hợp nhất BHXH của Sở LĐ-TB&XH và Ban BHXH thuộc Liên đoàn Lao động Hà Nội. Tháng 1-2003 thực hiện Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg ngày 24-1-2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam, BHXH Hà Nội được giao thêm nhiệm vụ thực hiện chính sách và quản lý quỹ BHYT của các đơn vị trên địa bàn Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, từ khi cơ quan BHXH ra đời, số lao động được tham gia đóng BHXH và hưởng các chế độ an sinh xã hội tăng lên một cách nhanh chóng. Năm 1995, toàn địa bàn Hà Nội và Hà Tây (khi chưa hợp nhất) chỉ có hơn 300 nghìn lao động tham gia BHXH thì đến nay đã có gần 1 triệu lao động tham gia và có 1,2 triệu lao động đã được cấp sổ hưu. Từ chỗ số tiền thu BHXH đạt 116 tỷ năm 1995 thì đến năm 2009, tổng số thu đã lên đến hơn 5.883 tỷ đồng. Số người tham gia càng tăng, việc chi trả lương hưu và trợ cấp càng nhiều với số tiền trên 10 nghìn tỷ đồng/năm. Từ năm 1995 đến hết năm 2009, BHXH thành phố đã giải quyết chế độ cho 205.649 người hưởng BHXH thường xuyên, giải quyết chế độ trợ cấp một lần và giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho trên 3.700.000 lượt người.
Riêng đối với BHYT, tính đến hết năm 2009, toàn thành phố có trên 4 triệu người tham gia, tăng gấp 7,2 lần so với năm 1995, chiếm hơn 60% dân số. Đây là một bước tiến lớn trong thực hiện chính sách BHYT toàn dân, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ y tế cần thiết tại cộng đồng. Đặc biệt trong công tác BHYT học sinh đến cuối năm 2009, toàn thành phố đã đạt tỷ lệ 100% các trường từ tiểu học đến đại học tham gia BHYT với trên một triệu học sinh, sinh viên.
Nói về những kết quả đạt được của BHXH Hà Nội trong 15 năm qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Đào Văn Bình đã đánh giá cao những kết quả hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội và cho rằng: Công tác BHXH đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn Thủ đô. Đây là sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức, viên chức hệ thống BHXH thành phố.
Bởi ngoài việc phát triển mới lực lượng lao động tham gia các loại hình bảo hiểm (BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp...) thành phố Hà Nội còn là nơi có số đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH thường xuyên hằng tháng lớn nhất cả nước với gần 430 nghìn người. Đối tượng thụ hưởng chính sách rất đa dạng và nhạy cảm, trong đó có nhiều cán bộ trung, cao cấp trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, nhiều cán bộ lão thành cách mạng, người có công... Với một lượng công việc đồ sộ như vậy, nhưng trong thời gian qua, với sự quan tâm của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến các phường, xã, nhiệm vụ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH đã được chuyển đầy đủ đến tận tay đối tượng trước ngày 10 hằng tháng, với số tiền chi trả trung bình trên 910 tỷ đồng/tháng. Nếu thống kê từ năm 1995 đến nay, BHXH thành phố đã chi trả 53.500 tỷ đồng cho các đối tượng một cách an toàn, chính xác.
Có thể nói, với 15 năm xây dựng và phát triển, BHXH Hà Nội đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về thành lập cơ quan BHXH, là cơ quan chuyên trách thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, quản lý quỹ BHXH từng bước độc lập với ngân sách nhà nước. Đây chính là cánh tay nối dài, giúp Đảng, Nhà nước thực hiện các chính sách đối với người có công, các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động.