Khủng hoảng nợ châu Âu: Liệu có “nhờn thuốc”?

Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 10/06/2010

(HNM) - Gần một tháng sau khi được Liên minh châu Âu (EU) nhất trí, khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã chính thức thành lập quỹ cứu trợ chống khủng hoảng trị giá 750 tỷ euro để giúp các nước trong khu vực gặp khó khăn về tài chính như Hy Lạp. Tuy nhiên, trong bối cảnh căn bệnh khủng hoảng nợ của châu Âu đang có nhiều dấu hiệu biến chứng, người ta nghi ngờ số tiền khổng lồ này sẽ chỉ như "muối bỏ bể".

Bài toán” thâm thủng ngân sách đang khiến các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu gặp khó khăn.


Theo quy định, tỷ lệ nợ công tối đa đối với một quốc gia thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 60% GDP trong khi thâm hụt ngân sách hàng năm không được vượt quá 3%. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 2 trong số 16 quốc gia  thuộc Eurozone đáp ứng đầy đủ những tiêu chí này là Phần Lan và Luxembourg. Sự "vượt rào" tập thể này là một  trong những nguyên nhân chính khiến châu Âu trở thành đệ tử của "chúa chổm". Hiện tại, tổng giá trị nợ của khu vực sử dụng đồng euro chiếm 84% GDP của khối và ngày càng khiến giới đầu tư lo lắng. Do vậy, bất cứ động thái nào dù nhỏ từ châu Âu cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, tại Lục địa già, Hy Lạp chưa biết chừng nào mới có thể "xuất viện", Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia cũng đang có cùng bệnh án. Đức - quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh nhất khu vực đã nợ tới 1.700 tỷ euro, vượt quá mức 70% GDP - mức tăng cao thứ hai kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Quốc gia này cũng đã quyết định bước vào thời kỳ "thắt lưng buộc bụng".

Theo kế hoạch vừa được Chính phủ liên minh phê duyệt, từ nay đến năm 2014, Đức sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách với quy mô lớn chưa từng thấy - 80 tỷ euro. Để đạt được mục tiêu thu về 10 tỷ euro, trong thời gian tới, Đức sẽ giảm mạnh các khoản phúc lợi, cắt giảm 15.000 việc làm, áp dụng mức thuế cao hơn... Có điều, những chi tiết này chưa từng xuất hiện trong cương lĩnh tranh cử của nữ Thủ tướng Angela Merkel. Rõ ràng, khủng hoảng nợ đang làm đảo lộn những dự định tốt đẹp mà  "người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh" cùng nhiều nhà lãnh đạo khác lập ra. Điều này có thể làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân Đức.

Vì thế, bất chấp quỹ chống khủng hoảng được thành lập, giá trị đồng euro vẫn không được cải thiện bao nhiêu sau chuỗi ngày trượt dài. Cụ thể, ngay từ đầu tuần, đồng euro đã tuột khỏi mốc 1,2 euro đổi được 1 USD. Trong ngày 9-6, trên thị trường thế giới 1 euro chỉ còn xấp xỉ 1,19 USD. Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, giá trị đồng tiền chung này đã giảm 9,2% so với đồng USD. Sự trượt giá của đồng euro đang làm gia tăng những đồn đoán về khả năng "sóng nợ" Hy Lạp có thể "nhấn chìm" toàn châu lục. Tương lai của Eurozone cũng bị đặt vào thế nghi ngờ.

Ngay cả Anh và Hungary, 2 quốc gia nằm ngoài Eurozone, cũng ngập trong "bài toán" thâm thủng ngân sách. Đây là lý do ngày càng có nhiều người tin rằng, "bóng đen" khủng hoảng nợ châu Âu nếu không được khống chế sẽ đe dọa toàn thế giới. Mối âu lo này hoàn toàn có cơ sở dựa trên những con số thống kê đáng giật mình của những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đứng đầu trong số các nước thành viên của Tổ chức hợp tác kinh tế (OECD) - được mệnh danh là câu lạc bộ các nước giàu - là Nhật Bản, đến cuối tháng 5, tổng nợ của nước này đã chiếm 229% GDP.

Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang oằn lưng gánh khoản nợ hơn 13 nghìn tỷ USD. Còn Canada, theo bình quân, mỗi người dân nước này nợ hơn 40.000 USD, đứng đầu trong số 20 nước phát triển trên thế giới và là mức nợ cao nhất trong lịch sử. Hiện tại, tổng giá trị nợ của tất cả các nước trên thế giới đã vượt qua mốc 36.000 tỷ USD. Ngay cả Phó Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Naoyuki Shinohara cũng cho rằng, rủi ro đối với triển vọng kinh tế toàn cầu đã tăng lên. Nguy hiểm hơn, nhiều nhà hoạch định chính sách châu Âu không còn nhiều biện pháp có thể sử dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhất là khi các "đơn thuốc liều cao" đã kê mà con bệnh nợ nần vẫn không mấy thuyên giảm.

Quỳnh Chi