Không có chỗ cho sự dễ dãi

Chính trị - Ngày đăng : 07:48, 09/06/2010

(HNM) - Ngày càng có thêm nhiều ví dụ cho thấy, người dân và báo chí đóng vai trò to lớn trong giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần tăng cường hiệu năng của các cơ quan này.

Báo chí đã thể hiện được vai trò của mình, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Ảnh: Nguyệt Ánh


Một kênh nhiều tác dụng
Trong những năm gần đây, có nhiều ví dụ cho thấy quan điểm rất cầu thị trước dư luận và báo chí của lãnh đạo TP Hà Nội. Hàng loạt công việc nổi bật được triển khai rộng khắp sau những tiếp thu từ ý kiến báo chí như xử lý sai phạm trong sử dụng đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, ngừng dự án xây khách sạn trong công viên và trung tâm thương mại khu vực chợ 19-12, gần đây nhất là việc ngừng lát đá xanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, dừng xây dựng tòa nhà số 2 Lê Thái Tổ hay điều chỉnh các biện pháp chỉnh trang đô thị phù hợp hơn…

Coi trọng ý kiến người dân và dư luận báo chí, năm 2009, TP đã chủ động phát động cuộc vận động tẩy trừ tệ đổ rác ra đường và xóa quảng cáo, rao vặt trái phép. Những biện pháp nghiêm khắc như cắt số điện thoại của đối tượng vi phạm, bắt phạt người vi phạm đã cho thấy hiệu quả thiết thực của cuộc vận động này. "Tôi theo dõi rất cẩn thận, từ hai ba tháng nay, người ta chỉ dám nhét vào cửa nhà tờ rao vặt nhỏ chứ không dám dán lên tường. Cũng bấy nhiêu thời gian tường nhà khu tôi ở không có thêm quảng cáo, rao vặt mới" - ông Trần Đình Tứ, khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa cho biết.

Cùng với việc tiếp thu ý kiến dư luận, TP đã chủ động lấy ý kiến người dân và mở rộng công khai hoạt động của mình. Cổng giao tiếp điện tử TP đã có những cải tiến vượt bậc trong vòng một năm qua, trở thành cầu nối giữa TP với người dân. Những thông tin về chủ trương, chính sách mới của TP được cập nhật ngày càng kịp thời trên trang tin này. Bên cạnh đó, việc lãnh đạo TP cởi mở với báo chí, chủ động thông tin và trả lời phỏng vấn báo chí một cách thẳng thắn những vấn đề "nóng" của TP cũng tạo nên những ấn tượng tốt và quan trọng hơn là tạo nên sự đồng thuận, nhất trí trong nhân dân cùng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Không những thế, lãnh đạo TP nhiều lần khẳng định báo chí là một kênh hỗ trợ tích cực cho nhiệm vụ quản lý nhà nước trong những năm qua. Có thể nói, cấp TP đã thể hiện sự coi trọng vai trò ngày càng lớn của dư luận báo chí và đã chủ động sử dụng kênh thông tin này vào công việc, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Cần nhận thức đúng vai trò của báo chí
Trong khi các cơ quan cấp TP ngày càng coi trọng ý kiến của dư luận và báo chí thì xem ra ở cấp địa phương, nhất là cấp cơ sở nhiều nơi chưa thực sự coi trọng vai trò này. Có không ít ví dụ cho thấy ở một số địa phương, cơ quan quản lý nhà nước vẫn có lối hành xử chưa đúng mực, thậm chí là "tự tung tự tác", dễ dãi, thiếu hiểu biết trong thực thi nhiệm vụ, chỉ đến khi "bị đưa lên báo" thì họ mới sực tỉnh.

Trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, có hai việc đáng tiếc xảy ra. Đó là việc Công an xã N. (Thanh Trì) và phường P. (Thanh Xuân) cùng gửi công văn đề nghị doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ kinh phí hoạt động trong dịp Tết. Cả hai vụ việc đều đã được xử lý nghiêm khắc, những người vi phạm đều bị kỷ luật. Bẵng đi một thời gian, mới đây Đảng ủy phường G. lại "dẫm" phải đúng lỗi vi phạm này khi gửi công văn đề nghị một số doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí tổ chức đại hội. Rất có thể, những người ký công văn nghĩ đơn giản rằng "sẽ chẳng có chuyện gì" hoặc "không ai biết, không ai hiểu mà nói, không thèm nói hoặc không dám nói". Nhưng với một việc sai ngay từ đầu như vậy, dư luận sao có thể "ngồi yên"; thế là vụ việc được đưa lên báo, "om sòm". Chỉ đáng tiếc là, người mắc sai lầm đã quá dễ dãi trong chức trách, nhiệm vụ của mình. Mà nguyên nhân sâu xa là chưa thực sự đánh giá đúng mức vai trò, vị trí của dư luận xã hội và đặc biệt là báo chí.

Lãnh đạo TP đã nhiều lần nhấn mạnh việc các cơ quan TP, các địa phương phải chủ động thông tin cho báo chí về các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Thế nhưng, lâu nay, nhiều nhà báo vẫn phản ánh trong những cuộc làm việc với TP hoặc họp báo rằng, tinh thần hợp tác về thông tin ở cấp cơ sở vẫn rất hạn chế. Nhiều trường hợp, lãnh đạo xã, phường cố tình né tránh báo chí một cách sỗ sàng mà lẽ ra họ có thể làm tốt hơn bằng cách cung cấp thông tin một cách thân thiện.

Nói tóm lại, cần có một sự chuyển biến nhất định trong cách nhìn nhận, đánh giá và ứng xử với dư luận xã hội nói chung và báo chí nói riêng của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở, vì tính giám sát của dư luận xã hội đang ngày càng cao. Sự coi trọng đúng mức điều này sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước thận trọng trong từng quyết định, từ đó mà chất lượng công việc cũng được nâng lên, người dân "được nhờ".

Hiền Lương