Hiệu quả của phân cấp
Kinh tế - Ngày đăng : 07:37, 09/06/2010
Dự án cầu Pá Uôn do Ban quản lý dự án 1 (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, là công trình tránh ngập khi Nhà máy thủy điện Sơn La tích nước. Ảnh: TTXVN |
Việc phân cấp chủ đầu tư dự án được khởi phát từ năm 2009, khi Chính phủ ban hành Nghị định 12/2009/NĐ-CP và sau đó Bộ Xây dựng có Thông tư hướng dẫn số 03/2009/TT-BXD quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông. Những quy định mới cho phép BQLDA trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án. Với đặc thù của ngành nhiều dự án, Bộ GTVT đã có Quyết định số 3019/QĐ-BGTVT để bổ sung nhiệm vụ cho các BQLDA làm chủ đầu tư xây dựng công trình. Bước đầu, Bộ giao BQLDA 1 và BQLDA Mỹ Thuận tổ chức thực hiện thí điểm. Cho phép các BQLDA trực tiếp làm chủ đầu tư thực chất là phân cấp trách nhiệm, điều mà nhiều địa phương đã thực hiện từ lâu và đem lại hiệu quả rõ ràng. Lãnh đạo một số cục, vụ thuộc Bộ GTVT cho rằng, việc phân cấp cho BQLDA sẽ giảm tải công việc cho cơ quan tham mưu của Bộ. BQLDA chủ động hơn trong công việc, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục phiền hà, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trở lại với dự án thí điểm cải tạo, nâng cấp QL6, đoạn Tuần Giáo - Lai Châu do BQLDA 1 làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 2.359 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Dự án được khởi động từ cuối năm 2008 với quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu của Bộ GTVT, nhưng sau đó không có tiến triển đáng kể. Mọi chuyện có thay đổi tích cực khi Bộ GTVT giao BQLDA 1 trực tiếp làm chủ đầu tư. Tiến độ dự án đã được đẩy nhanh hơn hẳn. Quý II-2009, hồ sơ mời thầu được phát ra và đến nay đã hoàn thành công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp cho 7 trong số 15 gói thầu. Các gói thầu còn lại sẽ sớm hoàn tất đấu thầu và ký hợp đồng thi công. Công tác GPMB, tái định cư được tách thành dự án riêng giao cho UBND tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện và tiến độ về cơ bản cũng đáp ứng yêu cầu. Rõ ràng, việc phân cấp trách nhiệm đã đem lại hiệu quả, trước hết là ở tiến độ thực hiện. BQLDA 1 đã chủ động ban hành quy định tạm thời về việc điều chỉnh, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ của các phòng, phân ban để thực hiện trách nhiệm chủ đầu tư, không để dự án bị đình trệ.
Theo đó, nhiều nhiệm vụ, chức năng của phòng, ban được quy định cụ thể, chặt chẽ để tăng cường trách nhiệm và ngăn ngừa tiêu cực, rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Một số cán bộ của BQLDA 1 cho biết, khi thực hiện thí điểm, trách nhiệm, khối lượng công việc tăng lên, bên cạnh đó là nhiều vấn đề mới và nảy sinh không ít khó khăn. Khó khăn, vất vả, trách nhiệm, áp lực công việc tăng, nhưng chủ động trong công việc, không phải vướng nhiều thủ tục hành chính. Điều này sẽ giúp việc phê duyệt và triển khai dự án diễn ra nhanh hơn do "cắt" được nhiều cấp trung gian xem xét, chờ đợi giải quyết, mất nhiều thời gian. Việc chỉnh sửa hồ sơ trong quá trình phê duyệt cũng diễn ra nhanh, hiệu quả hơn nhiều so với quy trình thủ tục khi BQLDA chỉ là đại diện chủ đầu tư. Năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm của từng cán bộ, nhân viên được huy động tối đa, tạo động lực tốt để thực hiện nhiệm vụ.
Chủ trương phân cấp không phải là mới và đã được thực hiện tại nhiều địa phương, đem lại hiệu quả khả quan. Áp dụng chủ trương này trong các dự án giao thông chắc chắn sẽ có hiệu quả, nếu công tác quản lý được thực hiện tốt. Phân cấp không đồng nghĩa với phó mặc và khi có cơ chế quản lý tốt đi kèm, sẽ không nảy sinh những tiêu cực làm hoen ố hình ảnh của cơ quan chủ quản.