Báo động về lạm dụng tiêm, truyền

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:52, 09/06/2010

(HNM) - Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người tử vong do lạm dụng tiêm, truyền, thiếu nhận thức về nguy cơ của tiêm không an toàn (sử dụng lại bơm kim tiêm, xử lý bơm kim tiêm, không bảo đảm, sai sót về vô khuẩn và kỹ thuật).

Ở Việt Nam, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể về tình trạng này, song thực trạng tiêm, truyền không an toàn tại các cơ sở y tế cũng đang ở mức báo động đỏ. Hậu quả dẫn đến là làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, thậm chí tử vong.

Lạm dụng tiêm, truyền có nguy cơ lây nhiều bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Linh Tâm

Những con số không an toàn

Các chuyên gia y tế nhận định, tiêm không an toàn đã và đang bị người bệnh và người ra chỉ định tiêm lạm dụng quá mức. Đây là nguyên nhân chính làm lây truyền các bệnh viêm gan B, viêm gan C và HIV.

Để chứng minh nhận định này, Bộ Y tế đã nghiên cứu trên 776 bệnh nhân ở 18 bệnh viện của 8 tỉnh đại diện ba vùng Bắc, Trung, Nam, bao gồm cả bệnh viện trung ương, bệnh viện tỉnh và trung tâm y tế quận, huyện. Các mũi tiêm được quan sát vào các thời điểm khác nhau trong ngày do điều dưỡng thực hiện trên nhiều người bệnh. Kết quả cho thấy, đường tiêm tĩnh mạch chiếm tỷ lệ cao nhất (43,5%), tiếp đến là tiêm bắp 43,1%. Vị trí tiêm được sử dụng tiêm nhiều nhất là cơ delta và cơ mông. Đáng lưu ý, chỉ có trên 35% nhân viên y tế rửa tay trước khi chuẩn bị dụng cụ và trước khi đâm kim qua da; hơn 99% dùng pank trong khi tiêm, nhưng không thể phân biệt rõ giữa động tác sạch bẩn và nhiễm khuẩn; 9% nhân viên y tế dùng hai tay đậy nắp kim tiêm nhiễm khuẩn; 3% bơm kim tiêm nhiễm khuẩn chưa được cô lập ngay sau tiêm; 23% mũi tiêm chưa đạt tiêu chuẩn: vị trí tiêm, góc tiêm, độ sâu và bảo đảm "2 nhanh 1 chậm". Ngoài ra, tỷ lệ hộp đựng vật sắc nhọn không quy chuẩn cũng chiếm tới 66%.

Hậu quả từ thiếu hiểu biết

Qua khảo sát thực tế, tại các thành phố lớn, có thời điểm người ta đua nhau tiêm, truyền như một phong trào mỗi khi thấy cơ thể mỏi mệt. Phụ nữ đi truyền dịch với hy vọng cho da thêm căng mịn, chống lão hóa. Người già tiêm, truyền để được khỏe hơn. Trẻ em truyền để ăn tốt, cao nhanh... Tuy nhiên, tất cả đều không biết rằng đằng sau những việc làm vô nguyên tắc ấy đã gây nên không ít tai biến nguy hiểm như nhiễm trùng máu, da; nhiễm HIV; viêm gan B, C; sốc thuốc, phù não, suy tim cấp, rối loạn điện giải... thậm chí tử vong.

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), truyền dịch là một phương pháp điều trị đặc biệt, cần thiết cho những người bị bệnh nặng không thể tự uống thuốc được, hay tùy từng thể bệnh như mất nước, hôn mê, rối loạn điện giải, viêm nhiễm, suy dinh dưỡng, các bệnh về máu... đã được bác sĩ kê đơn cho truyền dịch. Khi mua các loại thuốc tiêm hoặc dịch truyền bắt buộc phải theo đơn, chỉ các cơ sở điều trị mới được phép thực hiện thao tác tiêm, truyền dịch. Vì thế, lạm dụng tiêm, truyền hay bán dịch truyền và thuốc tiêm tràn lan không theo đơn của bác sĩ cũng như tự ý tiêm, truyền dịch là sai nguyên tắc. Đặc biệt, việc các y, bác sĩ của những phòng khám tư nhân đến tận nhà truyền dịch là rất nguy hiểm và phạm luật vì họ chỉ được khám kê đơn những loại thuốc thông thường.

Để bảo đảm sức khỏe cho nguời dân, bên cạnh việc xây dựng những quy định quốc gia, văn bản hướng dẫn cụ thể về an toàn tiêm, truyền trong cơ sở y tế, ngành y tế nên tăng cường tuyên truyền về nguy cơ của tiêm, truyền "tự do" để tránh lạm dụng tiêm không cần thiết, không chỉ với người bệnh mà cả với nhân viên y tế.

Nguyễn Hường