“Siêu dự án” và trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:32, 09/06/2010

(HNM) - Hôm qua, một lần nữa dự án đường cao tốc Bắc - Nam lại được Quốc hội dành cả ngày thảo luận. Như lần thảo luận trước, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau nhưng đã có thêm nhiều vấn đề được mổ xẻ, nhiều thông tin được làm rõ hơn. Một dự án quy mô lớn đang được định hình rõ nét hơn.

Thực tế qua thảo luận tại Quốc hội và trên nhiều diễn đàn báo chí thời gian qua, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện, phân tích những rủi ro và mong muốn Chính phủ, Quốc hội cân nhắc kỹ. Nhiều ý kiến chưa đồng thuận không phải là không có lý, nhưng rõ ràng vẫn còn có những ý kiến khá chung chung, thậm chí chẳng liên quan gì đến dự án. Ví như có đại biểu lo lắng về nạn tham nhũng, lãng phí, rằng sẽ có bao nhiêu phần trăm trong số 56 tỷ USD "rơi" vào túi cá nhân? Quả thực, nếu cứ bàn theo hướng ấy thì sẽ thật khó thực hiện.

Người xưa có câu "một lần ngại tốn, bốn lần không xong". Những nỗi lo về vốn và tác động trái chiều trong xã hội không phải là chúng ta không cần tính đến. Phải khẳng định thận trọng là cần thiết, nhưng thận trọng quá mức thì lại thành… vấn đề. Bàn tính đến việc xây dựng đường sắt cao tốc từ ngày hôm nay, nhưng phải 25 năm sau chúng ta mới có con đường mơ ước ấy để sử dụng. 25 năm, với sự phát triển của một quốc gia không hẳn đã là dài nhưng chắc chắn đủ để chúng ta hiện thực hóa ước mơ.

Dĩ nhiên, với những công trình khổng lồ như thế thì không phải quốc gia nào cũng đủ lực để thực hiện và cũng chính vì thế mà những công trình đó sẽ là "biểu tượng của nền kinh tế phát triển, văn minh", mà với xu thế này thì trước sau gì ta cũng phải làm. Nếu bây giờ chỉ vì một chút cấn cá để không "nhấn nút" thì hẳn ta sẽ lỡ cơ hội. Cần lưu ý là ở Nhật Bản họ làm đường sắt cao tốc từ năm 1964, đến năm 1990 cũng mới trả xong nợ. Tức là cũng mất cỡ 25 năm. "Công nợ trả dần…", các cụ ta cũng đúc kết như vậy.

Xem xét việc gì cũng nên tính đến cái thuận lẫn cái bất thuận để cân bằng lợi ích. Với một dự án nhiều chục tỷ đô la và có tác động rất lớn đến sự phát triển đất nước thì chắc chắn những người có trách nhiệm cũng không dễ dàng quyết một cách vội vã. Dĩ nhiên, trước khi "nhấn nút", những người có trách nhiệm cũng phải làm sao thể hiện được tính trách nhiệm cao nhất của mình, làm sao để người dân thấy rằng một dự án lớn như thế, trong thời gian dài như thế sẽ làm thế nào để hiệu quả nhất. Dự án phải thể hiện được sự liên kết lợi ích giữa các ngành, các lĩnh vực, lợi ích chung của quốc gia và toàn dân.

Nữ Quỳnh