Để không lãng phí niềm tin

Thế giới - Ngày đăng : 06:30, 09/06/2010

(HNM) - Dù chưa hứa hẹn làm sáng tỏ từng chân tơ kẽ tóc vụ "đại dịch" cúm A/H1N1 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng gây chấn động toàn cầu, song bản báo cáo của Nghị viện châu Âu sau cuộc điều tra độc lập kéo dài 5 tháng vừa được công bố vẫn được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm.

Một "nghi án thế kỷ" không dễ được làm sáng tỏ tức thì, nhưng kết luận điều tra từ các nhà chuyên môn châu Âu đã khẳng định rõ về mức độ nghiêm trọng của dịch chắc chắn đã bị thổi phồng. Phần chìm quá lớn của tảng băng bê bối được che giấu đã dần nổi lên trong ánh sáng. Một lần nữa, châu Âu bảo vệ cáo buộc mà WHO vẫn chưa thể đưa ra giải đáp thuyết phục liên quan tới virus cúm A/H1N1 thực chất chẳng nguy hiểm hơn so với "đồng loại" cúm theo mùa nhưng đã bị nhào nặn thành một "sát thủ hàng loạt" dưới bàn tay của các chuyên gia tư vấn WHO.

Lợi nhuận từ bán vắcxin được xem là ngọn nguồn của vụ bê bối.

Thế giới đã qua cơn sốc về "đại dịch" ở tầm thế giới khi thông tin kiểm chứng từ châu Âu được hé lộ từ nửa năm trước. Đến thời điểm này, công luận dường như đã điềm tĩnh hơn trước những hung tin mới và chấp nhận một thực tế rằng chẳng hề có một đại dịch khủng khiếp như kịch bản của cơ quan chăm sóc sức khỏe lớn nhất hành tinh. Điều đó đồng nghĩa với việc chẳng còn ai nghi ngờ về sự dính líu của một số nhà khoa học "ăn cây táo rào cây sung" vừa làm việc cho một cơ quan danh giá như WHO vừa có chân trong bảng lương của những hãng dược phẩm hàng đầu thế giới. Họ đã góp phần tạo ra sự lây lan với tốc độ không thể kiểm soát của dịch cúm A/H1N1 nếu như không có thuốc đặc trị. Do vậy, việc tạp chí y khoa nổi tiếng của Anh British Medical Journal (BMJ) và Tổ chức Báo chí điều tra (BIJ) cũng từ xứ sở Sương mù tìm ra 3 cái tên trong danh sách bí mật gồm 16 thành viên Ủy ban khẩn cấp, có vai trò cố vấn cho WHO và các chính phủ khi đại dịch xảy ra chắc chắn sẽ khiến cơ quan này "khó ăn khó nói". Dư luận đang chờ đợi lời giải thích từ WHO trước sự thật không thể chối bỏ đó cũng như tin các hãng dược Roche - sản xuất thuốc Tamiflu và GlaxoSmithKline - bào chế Relenza - đã bỏ túi khoản lợi nhuận kếch xù từ 7 đến 10 tỷ USD sau khi Tổng Giám đốc WHO, bà Margaret Chan tuyên bố cúm A/H1N1 là "đại dịch toàn cầu" ngày 11-6-2009.

Nhiều người tin rằng, WHO sẽ khó xoa dịu dư luận bằng một cuộc tự điều tra do một ủy ban của chính cơ quan này khi 13 trên tổng số 29 thành viên ủy ban là thành viên của Nhóm các quy chế y tế quốc tế (IHR) và một là Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp. Và như vậy, nỗ lực giải quyết vụ việc của WHO một lần nữa chưa đủ sức thuyết phục dư luận châu Âu cũng như những người còn hoài nghi. Trong bối cảnh đó, quyết định của WHO vẫn giữ nguyên mức cảnh báo đại dịch vì lo ngại khu vực Nam bán cầu bước vào mùa cúm được nhìn nhận như một sự kháng cự yếu ớt nhằm bảo vệ uy tín đã bị tổn thất nặng nề ít nhất là tại cộng đồng châu Âu.

Có vẻ như Tổ chức Y tế thế giới đang là nạn nhân bi thảm của màn kịch do chính mình tạo ra. Trước khi cả thế giới hết hoài nghi, nhiều chính phủ đã nếm trải nỗi đắng cay khi phải nghiến răng rút hầu bao nhiều triệu USD ngay trong cơn khủng hoảng để mua về hàng triệu liều vắcxin cho một dịch bệnh đang ngày càng đáng ngờ.

Con người đã mất quá nhiều thời gian để học thuộc bài cảnh giác, song vụ bê bối y tế được xem là lớn nhất thế kỷ từ WHO đã mang lại một bài học xương máu khác. Đó là sự phòng ngừa chỉ đạt mục đích nếu được thông qua một bộ lọc thông minh và đầy tinh thần khoa học. Những gì đã và đang diễn ra là một kinh nghiệm đau xót không chỉ với WHO mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới. Không né tránh sự thật để tránh vết xe đổ là liệu pháp cần thiết vào thời điểm hiện tại. Sự lãng phí niềm tin mà gần 7 tỷ người trên hành tinh đặt vào những tổ chức quốc tế có uy tín lớn như WHO hẳn là điều không ai muốn.

Vân Khanh