Tầm nhìn để lại

Xã hội - Ngày đăng : 07:57, 07/06/2010

(HNM) - Nói Tạ Mỹ Duật là người "mang nặng một tấm lòng với Hà Nội" có lẽ cũng không quá lời. Chỉ cần chi tiết bình thường nhất, một buổi sáng đi qua hồ Gươm, thấy người ta xây lên một kiosque quảng bá du lịch làm che khuất một tầm nhìn đẹp, với ông cũng là điều không thể chấp nhận. Ngay buổi chiều là phải viết bằng được một thư kiến nghị tới các nhà lãnh đạo Thủ đô, đề nghị ngăn chặn khẩn cấp "tiểu tiết" ấy như vậy có nhạy cảm quá không?

Nhưng thực ra những "tiểu tiết" ấy lại là giọt nước nhỏ tràn ly, không chỉ với tình cảm mà còn cả tầm nhìn. Gần hai mươi năm là Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội với bao nhiêu lần làm quy hoạch, rồi cuối cùng ông phải chua chát bộc bạch: "Thực ra Viện Quy hoạch Hà Nội từ năm 1960 đến nay chưa bao giờ tự mình làm một phương án quy hoạch". Do đâu? Vì "ở các cơ quan nhà nước không có đơn vị nào hiểu biết quy hoạch Hà Nội đến nơi đến chốn. Còn các Trường Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng nếu có dùng Hà Nội làm đối tượng nghiên cứu, giảng dạy thì cũng chỉ đi vào từng mặt của quy hoạch và giới hạn trong phạm vi lý thuyết mà thôi".

Kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật (thứ ba từ phải sang) với đồng nghiệp ở Viện Quy hoạch Hà Nội, 1964. 

Ông kiến nghị "phải có một cách làm mới, quy tập được các lực lượng đáng tin cậy về năng lực chuyên môn cũng như lương tâm nghề nghiệp". Theo Tạ Mỹ Duật, "Quy hoạch tổng thể Thủ đô là công trình của cả một thế hệ từ 25 đến 30 năm, nó không lệ thuộc vào nhiệm kỳ chấp chính của một nhà lãnh đạo nào" (Thư gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP Hà Nội năm 1986).

Tính bản sắc và tính thực tiễn trong quy hoạch đô thị luôn làm Tạ Mỹ Duật phải trăn trở. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông viết: "Trước đây khi bước vào hòa bình, trong việc xây dựng quy hoạch các thành phố, ta có nhờ bạn. Mười hai nước XHCN nghiên cứu quy hoạch mười hai thành phố. Điều này rất tốt và cần trau dồi học tập. Song ý nghĩa và tác dụng thực tiễn của quy hoạch xem ra có nhiều hạn chế. Lý luận phải kết hợp với thực tiễn, sản xuất phải kết hợp với nghiên cứu. Quy hoạch đô thị phải mềm dẻo và có tính hiện thực.

Qua việc xác lập các quy hoạch đô thị như Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh... chúng ta đã thấy rõ tính chất quy hoạch vừa kinh tế vừa khoa học, vừa nghệ thuật tổng hợp, quy hoạch có ý nghĩa quốc tế, có tính hiện đại song nó không thể thoát ly tính địa phương, có bản sắc ở mỗi nơi, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc".

Bài học này có lẽ cũng không phải là không cần thiết cho hiện tại khi làm quy hoạch Thủ đô.

Hàng chục bài báo về Hà Nội, từ những năm chiến tranh chống Mỹ cho thấy tấm lòng và quan trọng hơn là một tầm nhìn xa. "Khâm Thiên từ trong đổ nát" là những ước vọng về một tương lai trên nền mất mát của chiến tranh. "Tu bổ hồ Gươm" là hình ảnh xúc động về những người làm đẹp Thủ đô ngay trong những ngày bom đạn, "Hà Nội thành phố ngàn năm" điểm xuyết và tổng kết về quá trình hình thành và phát triển Hà Nội từ lúc Lý Thái Tổ dời đô.

Khu trung tâm chiếm khá nhiều trong các bài viết về quy hoạch Hà Nội của Tạ Mỹ Duật. Năm 1986 ông đã có bài "2010 - Hồ Gươm trong lòng Thủ đô 1000 năm tuổi". "Chào trước" Thăng Long 1000 năm cách đây hơn hai mươi năm, những đánh giá và cả cảnh báo của ông, giờ đây đọc lại vẫn còn thời sự và chính xác. Vẻ đẹp thiên nhiên, chiều sâu lịch sử của hồ là những giá trị luôn được nhắc nhở, kêu gọi gìn giữ trên tầm nhìn tổng thể: "Đáng quý biết bao, chiều sâu lịch sử lại gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên. Nhiều thành phố phát triển trên thế giới đã phá hoại thiên nhiên một cách nghiêm trọng. Với tư cách là một đối tượng của nghệ thuật, thiên nhiên bao giờ cũng gây cho con người những mỹ cảm có tính chất độc lập. Nhưng con người còn mang những cảm xúc nghệ thuật của mình ra để cải tạo và bổ sung cho thiên nhiên, khiến thiên nhiên trở thành phong phú, đa dạng và trữ tình. Cây xanh nêu lên các cảm giác hồn hậu của tự nhiên với con người. Nghệ thuật kiến trúc và quy hoạch bao giờ cũng phải có ý thức trong vấn đề này. Chính vì thế, công việc tôn tạo hồ Gươm ở đây không chỉ dừng lại ở chỗ tu sửa một đoạn đường, một bãi cỏ, một rặng cây... mà đòi hỏi phải sắp xếp, bài trí sao cho có một sự hài hòa giữa vẻ đẹp thiên nhiên với cái đẹp do bàn tay con người. Đất nước ta có hoa, có lá bốn mùa xanh. Ở đây có thể phối kết cả ba tầng thực vật: cây bụi, cây trung và cây cao, thể hiện cả không gian và thời gian Việt Nam: Cái xanh tươi tế nhị của phong lan mùa xuân, cái rực rỡ sôi nổi mùa hè của phượng vĩ uyển chuyển và cây gạo hiên ngang, mùa thu với cái nhẹ nhàng tha thiết của liễu rủ bên bờ nơi nắng vàng trải nhẹ, cái kín đáo êm đềm của màn sương trắng phù mùa đông qua các tàn cây cổ thụ. Cảnh vật làm cho con người tự nhiên đượm tình đất nước".

Trong những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông, việc giữ gìn tổng thể hồ Gươm đã tạo thành luồng dư luận. Cái câu cửa miệng kiểu "Hồ Gươm sẽ thành cái ao" nhiều người hay nói hóa ra đã có trong bản kiến nghị của bộ ba Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Quang từ những năm 1985-1986. "Hà Nội đang trên đà xây dựng, Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng Bờ Hồ là một khu đặc biệt, phương châm phải là tuyệt đối bảo vệ tính độc đáo của khu này. Chỉ cần năm bảy nhà cao tầng bằng hoặc cao hơn tòa nhà bưu điện, trên mỗi tòa nhà lại chằng chịt điện đài, thì hồ Hoàn Kiếm chỉ còn là một cái ao"… "...Cơ quan nào, ngành nào cũng đòi hỏi những nhà cao tầng, những kho chứa hàng, những nơi để ô tô. Rồi những người buôn bán đua nhau dựng lên cửa hàng, quán rượu, tiệm ăn. Nhà nước và tư nhân mỗi cơ quan, mỗi người xây dựng trang trí theo kiểu cách riêng, quang cảnh Bờ Hồ sẽ hỗn tạp như một chợ trời".

Một kiến nghị bằng hình ảnh và những trang viết đầy xúc động, thể hiện nỗi lo trước một thực trạng Bờ Hồ đang bị xâm hại và những nguy cơ đến chỗ bị hủy hoại, những kêu gọi khẩn thiết cho việc giữ gìn một giá trị ngàn năm.

Lòng yêu nghề và trách nhiệm xã hội của kiến trúc sư trong một đất nước chiến tranh triền miên rồi lại hối hả xây cất không có cách nào khác hơn là thể hiện trên trang viết. Kiến trúc thực ra là vẽ và xây, rồi mới có cái để viết và nói. Dù chỉ là một cái chòi gác, một nhà giao tế tranh tre ngoài kháng chiến, hay những mẫu nhà ở thấp tầng cho nông thôn. Nhưng thật đáng tiếc cho thế hệ ông, những năm giữa thế kỷ XX nhiều công trình lớn đều do nước ngoài thiết kế, còn các nhà kiến trúc Việt Nam chỉ "tham gia góp ý". Hầu hết các kiến trúc sư đầu đàn của nền kiến trúc Việt Nam thời kỳ ấy được giao nhiệm vụ này. Nhiệm vụ nào thì cũng có vinh dự của nó, nhưng nếu "cả nghĩ" dễ dẫn đến tâm trạng có gì "buồn tủi". Nhưng với trách nhiệm của một nhà chuyên môn, họ tham gia một cách rất tận tụy, bằng tất cả tính mẫn cảm và nỗi đam mê nghề nghiệp, họ coi công việc ấy như chính là sự sáng tác. Tạ Mỹ Duật làm việc với một tinh thần như vậy, từ phương án thiết kế, đến những ý kiến góp ý và phương án đề xuất bằng bản vẽ và nhiều bài báo với những lời tâm huyết nhất.

Bây giờ thì tất cả đã "đi vào lịch sử", nhưng xét về góc độ chuyên môn, xem lại những ý kiến phản biện, những quan điểm đề xuất lúc đó của Tạ Mỹ Duật, thấy nhiều quan điểm và ý kiến rất đáng để suy nghĩ. Ông đã cho thấy một "tình hình" của kiến trúc hồi đó. Nhiều năm sau, khi làn gió đổi mới bắt đầu thổi tới, trong cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sỹ bàn về văn hóa, văn nghệ, Tạ Mỹ Duật vẫn nhắc lại: "Tác dụng điều tiết xã hội của kiến trúc mới của ta còn rất yếu. Phong cách thiếu bản sắc, dáng dấp quốc tế chung chung, nhiều cái mới ta, cũ người, kiểu cách đơn điệu".

Khái quát ấy của một người làm nghề thật chua chát. Thế mà nhiều năm sau ngày về hưu, ông vẫn hăng say làm việc. Một lần trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam trong chương trình dành cho người Việt xa Tổ quốc, ông bộc bạch: "Xin nói ngay rằng trong lĩnh vực hoạt động này cũng như mọi lĩnh vực khác, một yếu tố cơ bản nhất, một động lực có tính chất quyết định cho kết quả lao động của mình, đó là tình yêu. Tôi muốn nói tình yêu đối với khoa học, nghệ thuật. Khi đã say mê thì không rời ra được, vì đã đem cái nghiệp vào thân".

Với Hà Nội, tôi nghĩ rằng ông cũng vậy.
Về cuộc thi viết "Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"

Cuộc thi còn một kỳ chấm giải vào tháng 10-2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.

Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.

BTC

Thạch Bách