Châu Á - Đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới
Chính trị - Ngày đăng : 07:46, 07/06/2010
* Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chiêu đãi lãnh đạo và các đoàn tham dự WEF.
(HNM) - Ngày 6-6, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 19 đã chính thức khai mạc tại TP Hồ Chí Minh. Tham dự có Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, Thủ tướng Myanmar Thein Sein, Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và hơn 400 đại biểu, các lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các trưởng đoàn tham dự diễn đàn. Ảnh: TTXVN |
Châu Á đối mặt với nhiều thách thức
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, WEF Đông Á 2010 diễn ra tại Việt Nam vào dịp Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN là sự kiện có ý nghĩa quan trọng và chắc chắn có đóng góp thiết thực trong quá trình hoạch định chính sách, phương hướng hợp tác ở khu vực trong những năm tới. Chủ đề "Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu" là rất phù hợp với bối cảnh hiện tại của khu vực, vì cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã làm bộc lộ rõ những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu cũng như của từng nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách thể chế và mô hình kinh tế nhằm bảo đảm cho sự phát triển nhanh, cân bằng và bền vững hơn. Ở Đông Á, các nền kinh tế đã đối phó khá hiệu quả với khủng hoảng kinh tế, có tốc độ phục hồi nhanh nhất và đang trở thành một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế chung của Đông Á trong giai đoạn khủng hoảng năm 2008-2009 là 7%, trong khi tăng trưởng của thế giới chỉ 3,2% (Toàn văn bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng in trong số báo này).
Tuy vậy, châu Á cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong mục tiêu phát triển bền vững, ổn định. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đánh giá thách thức lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh châu Á là chi phí gia tăng trong mọi nền kinh tế. Còn theo Thủ tướng Myanmar Thein Sein, Đông Á cần rà soát chất lượng tăng trưởng kinh tế để tăng cường tiếng nói trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, với đặc điểm nổi bật là hướng ngoại, kinh tế Đông Á cũng dễ bị tổn thương trước các rủi ro kinh tế toàn cầu. Điều đó đòi hỏi từng nền kinh tế Đông Á cần tăng cường chất lượng quản trị, đổi mới mô hình phát triển để tăng trưởng nhanh, cân bằng và bền vững. Mặt khác, phải dành ưu tiên nhiều hơn và tham gia nhiều hơn nữa trong hợp tác quốc tế, để đối phó với các vấn đề toàn cầu.
Việt Nam đang tăng trưởng bền vững
Đánh giá mức tăng trưởng 5% trong năm 2009 của Việt Nam, các đại biểu cho rằng đây là con số rất ấn tượng, thể hiện sự lãnh đạo có chiến lược rõ ràng và mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trả lời các câu hỏi của đại biểu trong phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Việt Nam đã có những thành công rất nhanh trong tái cân bằng kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Thủ tướng nhìn nhận, xu thế tất yếu của nền kinh tế hiện nay là thị trường toàn cầu hóa. Mỗi quốc gia phát triển thị trường trong nước nhưng vẫn phải hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, tùy điều kiện cụ thể mà mỗi quốc gia lựa chọn lợi thế của mình, vừa hướng về xuất khẩu để phát huy lợi thế và mở rộng thị trường trong nước để phát triển bền vững. Theo đó, lợi thế của mỗi quốc gia trong xuất khẩu cũng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế thế giới. Thủ tướng đưa ví dụ, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, nên xuất khẩu gạo là lợi thế; song vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực và gạo cho người dân. Điều này có nghĩa Việt Nam không chỉ hướng về xuất khẩu mà còn đóng góp cho an ninh lương thực của thế giới. Để có mô hình phát triển kinh tế bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng phải đẩy mạnh xuất khẩu gắn chặt với mở rộng thị trường trong nước. Việt Nam có 87 triệu dân, mỗi năm tăng thêm 1,1 triệu người, trong tương lai sẽ đạt 100 triệu dân. Năm 2010, Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,5-7% và từ năm 2011 đến 2020 tăng trưởng 7-8%. Đây là những yếu tố quyết định để mở rộng thị trường trong nước của Việt Nam. Đi cùng với tăng trưởng là nâng cao tiến bộ xã hội, xóa đói nghèo, giảm khoảng cách giàu nghèo.
Phát triển ý kiến về vấn đề thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vấn đề quan trọng là phải giải quyết nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Thủ tướng khẳng định, muốn có nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thì một chính phủ, quốc gia không thể tự làm được mà cần phải có nguồn vốn tổng hợp từ chính phủ, từ khối tư nhân và từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các định chế tài chính. Thủ tướng lấy ví dụ từ Việt Nam, hiện huy động ngân sách bằng thuế, phí… chỉ được 20% tổng GDP quốc gia. Nguồn vốn này phải chi cho rất nhiều khoản cần thiết khác chứ không chỉ cho hạ tầng. Vì vậy, cần phải huy động từ nhiều nguồn vốn và để huy động được, mỗi quốc gia phải có cơ chế tiếp cận nguồn vốn quốc tế, khuyến khích đầu tư tư nhân…
Thủ tướng 5 nước Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia cùng các đại biểu đã có buổi làm việc về hợp tác trong Tiểu vùng sông Mê Kông để tăng cường sự phát triển bền vững mọi mặt của các nước ở lưu vực con sông này. Hôm nay (7-6), WEF Đông Á sẽ tiếp tục với các phiên thảo luận về hợp tác bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng trong tương lai…
>>Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc gặp nhóm lãnh đạo trẻ và nhóm doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng toàn cầu dự WEF Đông Á
>>Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi ăn trưa làm việc về hợp tác Tiểu vùng Mê-Công
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chiêu đãi lãnh đạo và các đoàn tham dự WEF * Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp các nhà lãnh đạo dự WEF Chào mừng WEF về Đông Á 2010 đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, tối 6-6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã mở tiệc chiêu đãi lãnh đạo các nước và các đại biểu tham dự Hội nghị WEF Đông Á 2010. Dự tiệc chiêu đãi có Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng Myanmar Thein Sein, Phó Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Vương Chí Trân, Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Cùng dự về phía nước chủ nhà có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. * Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chiều 6-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Chí Trân. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam vui mừng trước mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Nhân dịp này, Thủ tướng chuyển lời mời mời Thủ tướng Ôn Gia Bảo sang tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và thăm chính thức Việt Nam. * Chiều 6-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva. Hai Thủ tướng nhất trí sớm họp lại nội các chung giữa hai nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác trong tuyến hành lang Đông-Tây và trong Tiểu vùng sông Mê Công. * Chiều 6-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen. Hai Thủ tướng đã trao đổi nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, trồng cao su. * Chiều 6-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thủ tướng Liên bang Myanmar Thein Sein. Hai Thủ tướng khẳng định, tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực then chốt… * Chiều 6-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh sang tham dự diễn đàn. Hai Thủ tướng nhấn mạnh sự phối hợp cùng nhau tăng cường hợp tác song phương và đa phương cũng như trên các diễn đàn quốc tế; đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. |
Thái Lan sẽ sớm ổn định và hồi phục trong thời gian ngắn nhất Trong khuôn khổ WEF Đông Á, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã có buổi tiếp xúc với các đại biểu để trình bày về tình hình Thái Lan hiện nay và những bước tiếp theo để hồi phục kinh tế trong thời gian tới. Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho biết, từ khi kết thúc biểu tình, tình hình Thái Lan đã trở lại bình thường và Chính phủ Thái Lan bảo đảm sẽ không có bạo lực lần nữa. Hòa giải sẽ là giải pháp cho lộ trình hòa bình trong tương lai của đất nước này. Về vấn đề khôi phục kinh tế đất nước, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho biết, Chính phủ Thái Lan đã thông qua ngân sách cho 5 năm tới, mở rộng nhiệm kỳ của Quốc hội chứng tỏ sự tín nhiệm của Quốc hội với Chính phủ. Trước mắt, Chính phủ Thái Lan tập trung đầu tư khôi phục những ngành bị ảnh hưởng nhiều do bất ổn thời gian qua như du lịch, thương mại. "Chính phủ sẽ triển khai tất cả các vấn đề ưu tiên để Thái Lan sớm ổn định và hồi phục trong thời gian ngắn nhất", Thủ tướng Abhisit Vejjajiva nói. Đặng Loan |