Giải quyết phần “gốc” bằng các chế tài cụ thể

Đời sống - Ngày đăng : 06:16, 07/06/2010

(HNM) - Do đem lại siêu lợi nhuận, nạn buôn bán người đang gia tăng và biến tướng với nhiều dạng tinh vi. Trong khi rất khó phát hiện vấn nạn này thì việc xử lý lại có nhiều bất cập do một số văn bản luật còn


Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định, ở Việt Nam những năm gần đây tình hình buôn bán người mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp. Trên bình diện chung, cả nước có khoảng hơn 3.600 đối tượng, trong đó có 235 đường dây với 654 đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán người, đồng thời có 51 tuyến và gần 190 địa bàn trọng điểm trong nước bọn tội phạm thường xuyên hoạt động, khoảng 6.700 người (gồm cả phụ nữ, trẻ em và nam giới) đi khỏi nơi cư trú không rõ nguyên nhân, trong đó có 4.678 người nghi bị buôn bán…

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, kinh nghiệm cho thấy, phòng chống buôn bán người có hiệu quả hay không phải bắt đầu từ ý thức con người, phải giáo dục con người từ ngay trong gia đình, nhà trường để hạn chế số lượng nạn nhân các vụ buôn bán người. Trên thực tế, thời gian qua, đa số các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài mới chỉ giải quyết được "phần ngọn", hầu hết các vụ buôn bán có yếu tố nước ngoài đều không có điều kiện xác minh, bắt giữ, xử lý. Dự luật Phòng chống buôn bán người lần này đã quy định các quyền tài phán ngoài lãnh thổ, đối với các trường hợp phạm tội trong nước mà trốn ra nước ngoài và ngược lại, tội phạm nước ngoài trốn vào Việt Nam...

Khó hỗ trợ nạn nhân kịp thời điểm
Theo dự thảo Luật Phòng chống buôn bán người, nạn nhân sẽ được hỗ trợ về tiền ăn, mặc, tàu xe, y tế, tâm lý, thủ tục pháp lý, trợ giúp pháp lý, học văn hóa, học nghề để ổn định cuộc sống. Trong quá trình điều tra, xét xử nếu chị em có yêu cầu thì xử kín và thông tin cá nhân của họ cũng được giữ bí mật.

Tuy nhiên, hỗ trợ nạn nhân sau khi đã có các giấy tờ xác minh của các cơ quan hữu quan hay chỉ áp dụng các biện pháp hỗ trợ ban đầu trong khi chờ xác minh đang là vấn đề gây tranh cãi. Theo ông Nguyễn Công Hồng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), nếu không quy định chặt thì dễ dẫn đến cảnh những người không phải là nạn nhân của vụ buôn bán cũng đến xin hưởng chính sách hỗ trợ hoặc cơ quan quản lý có thể làm chuyện tiêu cực, đưa danh sách hỗ trợ khống. Mặt khác, Bộ luật Tố tụng hình sự đã có một số quy định về bảo vệ an toàn thể chất đối với nạn nhân, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ nguyên tắc, chưa quy định rõ đối tượng được bảo vệ, các biện pháp bảo vệ, thủ tục yêu cầu bảo vệ...

Xác định đây là vấn đề nhạy cảm, nên ngay đầu tháng 6 này, Bộ Tư pháp đã tổ chức diễn đàn để các nước trong khu vực châu Á chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực thi có hiệu quả pháp luật về phòng chống buôn bán người. Ông Albert Moskowitz (Chuyên gia dự án Phòng, chống buôn bán người khu vực châu Á) cho rằng, hỗ trợ nạn nhân đúng thời điểm mới hiệu quả, nhưng Việt Nam cần có các văn bản pháp luật liên quan như rửa tiền, tịch thu tài sản, cản trở công lý, tham nhũng… thì chủ trương nhân đạo trên mới phát huy.

Theo luật sư Nguyễn Hoàng Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội), muốn phòng, chống buôn bán người có hiệu quả, dự luật Phòng chống buôn bán người cần thực hiện liên hoàn 3 nội dung: phòng, chống và giải quyết hậu quả bằng các biện pháp hình sự, dân sự, hành chính... Việc thành lập lực lượng chuyên trách trực tiếp đấu tranh với loại hình tội phạm này cũng cần được tính đến và nên giao cho lực lượng Công an, Cảnh sát Biển và Bộ đội Biên phòng theo hướng "mở", nghĩa là phụ thuộc vào tình hình cơ cấu tổ chức từng đơn vị. Điều đó cũng giảm bớt mối lo ngại là cứ mỗi khi ban hành luật lại quy định thêm một cơ quan chuyên trách sẽ khiến bộ máy lại lớn hơn.

Hà Phong