Vươn ra biển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 07/06/2010
Thành công của Tuần lễ Biển và Hải đảo, như lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu trong lễ khai mạc, là một dịp khẳng định quyết tâm giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển trên con đường xây dựng nước Việt Nam giàu có, văn minh, có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hà Nội quyết tâm góp phần vào thắng lợi của việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Đảng và Nhà nước ta bằng vị thế đặc biệt của Thủ đô, một thành phố hòa bình trên con đường phát triển CNH, HĐH.
Việt Nam là đất nước có vị trí biển rất quan trọng và vùng biển lớn trong khu vực Đông Nam Á. Từ Móng Cái đến Hà Tiên, chúng ta có 3.260km bờ biển, hơn 1 triệu kilômét vuông mặt biển (gấp 3 lần diện tích đất liền), 2.800 hòn đảo với nguồn động vật, thực vật, tài nguyên dưới lòng đất và trong nước biển vô cùng giàu có. Biển Việt Nam còn là nguồn điều tiết khí hậu, cung cấp các nguồn năng lượng tái sinh, tạo điều kiện hình thành hàng chục vạn hécta rừng ngập mặn, bãi bồi, vùng nước lợ… nguồn sống của hàng triệu người dân Việt Nam. Các đường vận tải trên biển, hệ thống khí tượng thủy văn biển của Việt Nam cũng là một bộ phận không thể tách rời của giao thông, khí tượng thủy văn toàn cầu.
Là quốc gia biển, từ những thiên niên kỷ trước công nguyên, người Việt cổ đã có ý thức khai thác, bảo tồn và bảo vệ biển vì mục đích dân sinh. Truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở 100 con, 50 con theo mẹ lên rừng, 50 con theo cha xuống biển đã chứng minh điều đó. Trên đất nước Việt Nam, rất nhiều nơi tồn tại những phong tục, lễ hội, tín ngưỡng liên quan đến biển, chứng tỏ người dân nước ta đã tìm nguồn sống từ biển, khai thác và quản lý biển, hải đảo từ lâu đời. Điều đó đã được chứng minh qua các di tích khảo cổ ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, đô thị cổ Hội An - một thương cảng sầm uất hồi thế kỷ XVII đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Mới đây, nhân dân trên đảo Lý Sơn và cả nước rất hoan nghênh Nhà nước đã công nhận di tích quốc gia, cho phép dựng tượng đài, tổ chức lễ hội Khao lề thế lính Trường Sa. Cuộc sống của nhân dân huyện đảo Trường Sa hôm nay cũng phần nào thể hiện khát khao vươn ra biển lớn của nhân dân ta.
Nhưng rõ ràng việc khai thác, bảo tồn và bảo vệ biển, hải đảo của chúng ta hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu và xu hướng vươn ra biển của thế giới. Việc khai thác nguồn hải sản còn nhỏ bé, manh mún. Việc khai thác các tài nguyên từ biển như dầu, khí, khoáng sản còn hạn chế. Công tác phát triển kinh tế ven bờ, xây dựng hệ thống công nghiệp dịch vụ biển; phát triển thông tin, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình trạng khai thác trái phép, bừa bãi đã khiến nguồn tôm, cá, san hô và nhiều động, thực vật khác ngày một suy thoái, cạn kiệt. Việc phát triển du lịch biển thiếu bền vững, nặng về bóc lột thiên nhiên cũng đang dẫn đến những tổn thất lớn về môi trường, kinh tế…
Chiến lược biển là một sự nghiệp lâu dài, cần sự đóng góp của nhân dân cả nước, kể cả những địa phương không có biển, xa biển. Hà Nội tuy không có biển nhưng là nơi tích lũy được rất nhiều chất xám về biển, nơi cung cấp những nhà khoa học, nhà nghiên cứu biển hàng đầu. Với tiềm năng chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch… to lớn của mình và nhất là nhiệt tình yêu nước của người Hà Nội, nhất định thành phố chúng ta sẽ đóng góp rất quan trọng vào mục tiêu chung là vươn ra biển.