Cần hạ hỏa

Thể thao - Ngày đăng : 07:24, 06/06/2010

(HNM) - 1. Chuyện cầu thủ bị khán giả chửi bới, khích bác ngay trên sân cỏ không hiếm. Ở đâu cũng có, không chỉ ở Việt Nam. Trong hành trang vào nghề của các cầu thủ chuyên nghiệp không thể thiếu phần này.

Lý thuyết là vậy nhưng ứng xử trên sân nhiều khi phụ thuộc vào tính cách mỗi người. Có người lặng thinh trước mọi lời nói. Có người "cao thủ" hơn còn nhìn lên phía khán đài rồi tủm tỉm cười. Nhưng cũng có người không thể kiềm chế mà đôi co, thậm chí có hành vi phản ứng cũng tục không kém với những "thượng đế" - khán giả - vốn được coi là nguồn sống của nhiều đội bóng chuyên nghiệp. Không kể, nhiều trường hợp cá biệt còn xông vào thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với khán giả. Bóng đá thế giới không thể quên cú song phi vào một khán giả của cựu danh thủ E.Catona khi còn thi đấu cho Manchester United.

2. Bóng đá Việt Nam chưa có cú song phi nào tương tự cú đá của Catona ngày nào. Cũng chẳng ai mong muốn điều ấy sẽ xảy ra vì nó sẽ làm tổn hại đáng kể đến hình ảnh cầu thủ, đội bóng. Nhưng cũng đã có những phản ứng tiêu cực với khán giả dù ở mức độ thấp hơn. HLV Lê Thụy Hải nổi tiếng nóng tính không thiếu lần đôi co với khán giả rằng: "Có giỏi xuống đây mà làm!". Nhưng như thế vẫn không bằng chuyện tiền vệ Danh Ngọc (Nam Định) giơ ngón tay giữa về phía khán giả Thể Công ở mùa giải trước, còn gầy đây nhất là thủ thành kỳ cựu Nguyễn Vũ Dũng (Viettel) chĩa "bàn tọa" về cổ động viên Hà Nội ACB khi bị nhóm người này chửi bới. Dù với lý do gì thì những hành động ấy vẫn rất phản cảm và cuối cùng người bị thiệt vẫn là cầu thủ. Danh Ngọc bị treo giò 6 trận, với Vũ Dũng là 2 trận. Đi kèm án phạt treo giò là phạt tiền, có khi lên tới cả chục triệu đồng - số tiền trong mơ với nhiều công nhân trong các khu công nghiệp, phải làm cật lực 12 giờ mỗi ngày.

3. Rộng ra, ngoài chuyện cầu thủ có những hành động không đẹp với khán giả, chuyện cầu thủ có những cử chỉ thiếu văn hóa với giới trọng tài (lao vào gây hấn, vái lạy) hay với chính đồng nghiệp (giơ ngón tay giữa về phía đối thủ) trên sân cỏ Việt Nam cũng đã đủ để người ta lo ngại rằng, nhiều cầu thủ Việt Nam chưa được trang bị kiến thức sống đến nơi đến chốn. Càng ngày thu nhập của họ càng cao nhưng cách ứng xử vẫn vậy. Họ thừa biết đi đá bóng là để phục vụ khán giả và trong số khán giả đến sân có nhiều thành phần quá khích, thiếu văn hóa. Họ thừa biết luật chơi của bóng đá. Họ cũng buộc phải chấp nhận sự quá khích kia, phải kiềm chế trước đối thủ cũng như các quyết định của trọng tài nếu không muốn "miếng cơm manh áo" bị ảnh hưởng. Nhưng sự thiếu kiềm chế cũng như non kém về bản lĩnh cuối cùng chỉ làm hại họ với những án phạt nặng nề. Những tấm gương của Danh Ngọc, Công Vinh, Hải Lâm và gần nhất là Vũ Dũng liệu có làm những đồng nghiệp khác bớt "nóng đầu" hơn? Hy vọng là có!

Thùy An