Cách nào khắc phục?
Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 06/06/2010
Qua kiểm tra cho thấy chất lượng nước mặt tại các vùng chịu tác động của nguồn thải từ các KCN đã và đang bị suy thoái nghiêm trọng, đặc biệt tại lưu vực các sông Đồng Nai, Cầu, Nhuệ, Đáy. Theo báo cáo, gần 70% trong số hơn 1 triệu mét khối nước thải mỗi ngày từ các KCN được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý đã gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Điển hình, tại lưu vực sông Nhuệ, Đáy, nước không đạt tiêu chuẩn B1, tức không thể tưới tiêu cho nông nghiệp. Ô nhiễm không khí cũng ở mức báo động, tập trung nhiều ở các KCN cũ do các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải. Ngoài ô nhiễm bụi, một số KCN còn ô nhiễm CO, SO2 và NO2. Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy, lượng chất thải rắn từ các KCN cũng có chiều hướng gia tăng, thành phần chất thải rắn nguy hại chiếm tỷ lệ 20%, trong khi vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập, nhất là đối với việc quản lý, vận chuyển và đăng ký nguồn thải đối với chất thải nguy hại.
Nguyên nhân của tình trạng trên được đưa ra là do thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ; kế hoạch hỗ trợ về vốn, tín dụng chưa được tính toán, dự trù chi tiết; quy chế về bảo vệ môi trường trong KCN do Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tế... Ngoài ra là nguyên nhân khác trình độ công nghệ xử lý thấp, chúng ta hiện không có ngành công nghiệp sản xuất thiết bị xử lý chất thải. Cuối cùng là nhiều địa phương thiếu tích cực, thậm chí không quan tâm đến việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
Trước đây, chúng ta đã đề ra mục tiêu đến năm 2009 tỷ lệ KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 65%. Thế nhưng, đến năm 2009 con số này trên thực tế mới chỉ đạt khoảng 43%.
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2015, Việt Nam sẽ có thêm 91 KCN với tổng diện tích 20.839ha và 22 KCN được mở rộng thêm với tổng diện tích 3.543ha, tốc độ gia tăng khối lượng chất thải công nghiệp lên đến 10%/năm. Nếu cơ chế không thay đổi, vấn đề xử lý môi trường trong các KCN vốn đã chậm trễ chắc chắn sẽ không theo kịp tốc độ phát triển. Chẳng lẽ ta cứ để tụt hậu mãi, không có cách nào khắc phục?