Hội nhập, lan tỏa cùng văn hóa thế giới
Văn hóa - Ngày đăng : 06:40, 06/06/2010
Đoàn Traine Savates (Pháp) biểu diễn trong lễ khai mạc. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
"Vọng ngàn năm"
Theo cách đánh giá của NSND Lê Ngọc Cường, chỉ đạo nghệ thuật chương trình khai mạc thì Huế là chỗ trũng của dòng chảy văn hóa Việt Nam, càng tát, càng khơi càng chảy đến. Bởi thế, qua mỗi kỳ festival, người dân Việt Nam nói riêng, bạn bè quốc tế nói chung biết đến mảnh đất và con người xứ Huế nhiều hơn, người dân Huế cũng có dịp hiểu hơn về những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc bậc nhất của nhân loại. Có lẽ đây chính là lý do khiến Festival Huế năm 2010 có số lượng người tham gia đông nhất từ trước đến nay với gần 3.000 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 28 đoàn nghệ thuật quốc tế, đại diện cho 5 châu lục và hơn 30 đoàn nghệ thuật của mọi miền đất nước Việt Nam. Quảng trường Ngọ Môn vốn rộng rãi là thế cũng trở nên quá nhỏ trước sức "nóng" festival và tình yêu nghệ thuật của hàng vạn con người. 8h mới diễn ra chương trình khai mạc nhưng trước đó một giờ, sân khấu có sức chứa tới hàng nghìn người không còn chỗ trống.
Khi tiếng trống khai mạc, cũng là tiếng vọng ngàn năm, là tấm lòng của người dân xứ Huế, người dân năm châu hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cất lên, sân khấu hình Kỳ đài Phu Văn Lâu thu nhỏ bật sáng, gần 80 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Bông Sen và Đoàn Võ thuật thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn tiết mục khai màn "Hào khí Hoa Lư - Dời đô ngàn năm vang mãi". Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, câu chuyện lịch sử về vua Đinh Bộ Lĩnh từ những ngày tập trận cờ lau cho đến khi đánh thắng giặc ngoại xâm, lên ngôi Hoàng đế và quá trình dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long - Hà Nội của đức Thái tổ Lý Công Uẩn được tái hiện một cách sinh động. Tiếp đó, trong tiếng sáo thái bình quện cùng tiếng đàn bầu dìu dặt, réo rắt mà thanh cao, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam một lần nữa được ngợi ca qua ca khúc "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người". Nghệ sĩ Tiêu Nam Cường, Đoàn Nghệ thuật Nam Kinh (Trung Quốc) nói: "Tôi đã được nghe, được học về danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, nhưng hôm nay trực tiếp chứng kiến các nghệ sĩ Việt Nam sử dụng âm nhạc truyền thống đặc trưng của Việt Nam để ngợi ca Hồ Chủ tịch, tôi rất bất ngờ và xúc động".
Rồi, tiếng vọng ngàn năm ấy tiếp tục vang lên qua các tiết mục đặc sắc đại diện cho di sản văn hóa ba miền như "Múa bát dật" của Đoàn Nghệ thuật Cung đình Huế; ca trù "Hát then nhà" của CLB Ca trù Tràng An (Hà Nội); múa hát "Lễ hội buôn làng" thể hiện nội dung gọi thần Chiêng Kram về giúp dân làng có mùa màng bội thu, có cuộc sống no ấm, do Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Đắc Lắc thể hiện; hát Quan họ Bắc Ninh "Tứ hải giao tình" và múa "Chầu văn Huế". May mắn có được tấm vé hàng ghế đầu để xem những tiết mục này, chị Tôn Nữ Thị Hoa, một người dân xứ Huế mừng vui thốt lên: "Không gì có thể tuyệt vời hơn thế. Tôi đã hiểu hơn về văn hóa ba miền, về lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".
Tiết mục biểu diễn của đoàn nghệ thuật Việt Nam trong lễ khai mạc. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
"Âm vang ngày hội"
Đây là chủ đề xuyên suốt phần II của chương trình khai mạc với sự trình diễn hết sức độc đáo của các đoàn nghệ thuật quốc tế. Có thể nói rằng, ý tưởng để văn hóa Việt Nam giao lưu, hội nhập, lan tỏa ngay từ ngày đầu khai mạc với văn hóa năm châu của nhóm tổ chức chương trình đã trở thành hiện thực. Bầu không khí âm nhạc tưng bừng, hoành tráng nhuốm cả không gian Quảng trường Ngọ Môn. Các diễn viên Đoàn Nghệ thuật Traine Savates của Pháp khuấy động sân khấu bằng chương trình nghệ thuật đường phố nhưng lại mặc trang phục truyền thống cung đình Huế. Đoàn Nghệ thuật Okinawa từ xứ sở hoa Anh đào tặng khán giả những điệu múa cổ truyền cung đình Nhật Bản, kết hợp với sức mạnh của thế võ Karate và vũ điệu Eisa - một điệu múa vui tươi nhịp nhàng hòa trong câu hát và tiếng trống rộn rã. Đây cũng là lần đầu tiên, Đoàn Nghệ thuật Thê Hà, Nam Kinh (Trung Quốc) mang tiết mục "Long Phụng hải tường" nhiều lần giành huy chương vàng trong các cuộc thi múa rồng ở Trung Quốc đến Huế trình diễn.
Tiết mục của Đoàn Busan (Hàn Quốc). |
Mãn nhãn khán giả trong đêm khai mạc còn phải kể đến chương trình "diễu hành" cà kheo dọc Quảng trường Ngọ Môn của Đoàn Merchitem (Bỉ), múa truyền thống của Đoàn Raduga - Pivertismet & Flamingo (Nga), Busan (Hàn Quốc) và màn bắn pháo hoa tầm thấp tuyệt vời của đạo diễn tài danh người Pháp Pierre Alain Hubert.
Chương trình khai mạc kết thúc lúc 22h, nhưng bữa biệc văn hóa đặc sắc của Festival Huế vẫn còn tiếp tục đến hết ngày 13-6 với các hoạt động nổi bật như "Cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn" diễn ra vào 20h ngày 7-6 trên sông Hương; lễ tế Nam Giao diễn ra vào ngày 9-6 tại Đàn Nam Giao; sân khấu "Hành trình mở cõi" diễn ra vào 20h ngày 10-6 ở Kỳ đài Phu Văn Lâu...
- Ngay sau lễ khai mạc Festival Huế, "Đêm Hoàng Cung" - lễ hội truyền thống của Cố đô Huế đã diễn ra tại Đại Nội. Lễ hội trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế như Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng Huế, Ca Huế, thơ cung đình, thơ Huế cùng một số loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo khác của Huế. - Cùng thời gian này, tại Điện Thái Hòa, du khách được thưởng thức vẻ đẹp lộng lẫy của trang phục truyền thống các nước châu Á như Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Thái Lan, Việt Nam… trong "Đêm hội phương Đông". - Trước đó, Liên hoan "Những cánh diều Việt Nam" lần thứ VI diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn. Hơn 300 cánh diều của Nhà văn hóa Huế và CLB Diều Phượng Hoàng (thành phố Hồ Chí Minh) bay trên bầu trời tôn thêm vẻ nên thơ cho Huế. - Nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6, trong ngày khai mạc Festival Huế còn có triển lãm nghệ thuật sắp đặt với chủ đề "Nặng bồng nhẹ tếch" trên đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Huế. 11 tác phẩm của 14 họa sĩ Bắc - Trung - Nam đã kể những câu chuyện về tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự tấn công của chất độc, rác thải lên đời sống con người… |