Bài 2: Vẫn là câu hỏi “tại sao?”
Giáo dục - Ngày đăng : 06:31, 06/06/2010
Giờ lên lớp của sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Hồ Quang |
Nhân tài thiếu, vật lực yếu
Tính đến năm 2009, cả nước có 376 trường ĐH,CĐ với tổng quy mô đào tạo năm học 2008-2009 là 1.719.499 sinh viên, tương đương 195 SV/vạn dân, tăng 13 lần so với năm 1987; năm 2010 có thể đạt 200 SV/vạn dân. Để có được quy mô này, từ năm 1998 đến năm 2009, 307 trường ĐH,CĐ mới được thành lập và nâng cấp. Tốc độ "phát triển" nhanh đến chóng mặt này đã khoét sâu thêm mẫu thuẫn giữa tăng số lượng nhưng điều kiện bảo đảm chất lượng không tăng; làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối trong ngành nghề đào tạo... Dù số sinh viên đã tăng 13 lần song số giảng viên hầu như không thay đổi trong suốt 10 năm qua. Theo so sánh của GS-TSKH Lê Du Phong, đến năm 2008 số giáo viên bình quân của mỗi trường ĐH,CĐ là 154 người (60.651 giảng viên/393 trường), giảm 21 người/trường so với năm 2005, số giáo viên có trình độ trên đại học là 77 người/trường, giảm 9 người. Những con số này ở khối ngoài công lập lớn hơn nhiều: Số giáo viên bình quân giảm 111 người, số giáo viên trình độ trên đại học giảm 73 người. Thiếu giáo viên nên ở các trường ngoài công lập chủ yếu vẫn là giáo viên thỉnh giảng, có trường chỉ có 53 giáo viên cơ hữu nhưng có đến 375 giáo viên thỉnh giảng; nhiều thầy có tên trong danh sách thỉnh giảng của rất nhiều trường ĐH.
Báo cáo của đoàn giám sát khẳng định, Nhà nước đã đầu tư đáng kể nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu tối thiểu cho GD ĐH. Bình quân 10 năm qua, tổng chi cho GD ĐH mới đạt khoảng 10% tổng ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho GD ĐT, trong đó chi thường xuyên chiếm khoảng 75%, chi đầu tư xây dựng cơ bản và chương trình mục tiêu lần lượt là 20% và 5%. Kết quả khảo sát về thu chi và quản lý tài chính trong các trường ĐH cho thấy, phần NSNN cấp chiếm 60,84%; phần học phí, lệ phí và các khoản thu khác chiếm 39,16%. Suất đầu tư cho 1 sinh viên cũng chỉ đạt 200 USD/năm, chỉ so với học phí của ĐH RMIT tại TP Hồ Chí Minh cũng đã là một khoảng cách khá xa. Kinh phí đầu tư cho các thầy nghiên cứu khoa học cũng rất "khiêm tốn". Theo tính toán của GS-TSKH Lê Du Phong thì bình quân mỗi năm, một giáo viên Trường ĐH Bách khoa chỉ được đầu tư 16,6 triệu đồng để NCKH, Mỏ địa chất là 14,8 triệu đồng, Xây dựng 14,2 triệu đồng, Kinh tế quốc dân 10,2 triệu đồng, Nông nghiệp 22,4 triệu đồng. Còn theo thống kê của Bộ KHCN thì tổng đầu tư từ NSNN cho hoạt động này của các cơ sở đào tạo chỉ bằng 9,4% tổng đầu tư cho KHCN của cả nước.
Có nhiều yếu tố làm nên chất lượng nhưng chỉ riêng 2 yếu tố quan trọng nhất là tiền và con người đã thiếu và yếu như vậy thì chất lượng sinh viên tốt nghiệp không cao không phải là điều khó hiểu.
Phân tầng trong chất lượng
Trong điều kiện các yếu tố bảo đảm CLGDĐH còn thiếu và yếu, việc mở thêm các trường ĐH,CĐ đã khiến cho dư luận đặt nhiều dấu hỏi và có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Có người cho rằng, trường ĐH đã mọc lên như "nấm sau mưa", nhưng cũng có ý kiến khẳng định điều quan trọng là phải xem xét nhịp độ tăng sinh viên hằng năm. Theo GS Phạm Phụ, con số này trong 10 năm qua là 13,6%/năm và ông khẳng định, đây không phải là nhịp độ quá cao bởi một số nước cũng từng có nhịp độ trên 15% kéo dài đến vài mươi năm. Hơn nữa, nếu xét đến sứ mệnh "đại chúng hóa" của GD ĐH cũng như vấn đề công bằng xã hội thì lẽ ra mỗi tỉnh phải có ít nhất một trường ĐH hay CĐ cộng đồng để sinh viên có thể ăn cơm nhà đi học
Vậy, việc mở trường trong thời gian qua ra sao? Theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH,CĐ nói chung phù hợp với định hướng quy hoạch, đã chú ý đến cơ cấu vùng miền và tạo điều kiện cho địa bàn khó khăn. Điều đáng nói là, trong tổng số 307 trường ĐH,CĐ được thành lập và nâng cấp 10 năm qua thì có đến 245 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn, 8 trường được nâng cấp từ khoa trực thuộc lên trường ĐH thành viên thuộc ĐH quốc gia, ĐH vùng và chỉ có 32 trường được xây dựng hoàn toàn mới. Có thể nói, việc nâng cấp các trường CĐ, chủ yếu là từ trường CĐ sư phạm ở địa phương thành trường ĐH và mở rộng cơ cấu đào tạo đa ngành diễn ra phổ biến. Phương thức thành lập trường này có ưu điểm là có thể sử dụng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên sẵn có nên đáp ứng nhanh các yêu cầu hoạt động trước mắt. Tuy nhiên, ưu điểm đó cũng chính là điểm yếu của các trường được "lên đời" khi đội ngũ và cơ sở vật chất sẵn có chưa thể đáp ứng yêu cầu đào tạo bậc học mới cao hơn. Hầu hết số này đều thuộc loại hình công lập nên các điều kiện bảo đảm chất lượng phụ thuộc vào khả năng của địa phương.
Sự phát triển không đồng đều giữa các cơ sở đào tạo là quy luật khách quan và cần phải chấp nhận chất lượng không giống nhau giữa các trường ĐH,CĐ. Ở nước ta hiện nay, sự phân tầng này chưa rõ ràng. Có ĐH trọng điểm định hướng nghiên cứu và chủ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng chi phí đơn vị chỉ khoảng 300 USD/sinh viên; có trường sinh viên chính quy chỉ chiếm 26,6%; số sinh viên sau đại học chỉ 3%, nhiều trường còn đào tạo cả cao đẳng. Ngược lại, nhiều cơ sở đào tạo chủ yếu là để huấn luyện nghề nghiệp nhưng vẫn coi nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ cơ bản với số kinh phí chưa đến 100 triệu đồng/năm và đuổi theo nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ. GS Phạm Phụ đặt câu hỏi: Phải chăng tư duy quản lý kiểu tất cả mặc chung một áo sơ mi, đã buộc các trường phải làm như vậy? Đây có lẽ là một nguyên nhân khiến bài toán quy mô - chất lượng ngày càng thêm nhiều ẩn số.