Chuyện không của một ngày...

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 06/06/2010

(HNM) - Ngày Môi trường thế giới (5-6) đã qua với rất nhiều hoạt động, nhiều lời tuyên bố từ cơ quan chức năng, lời cam kết từ phía doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân...

Tuy nhiên, hàng loạt "phi vụ đen" tác động tiêu cực đến môi trường vẫn bùng nhùng: Vedan vẫn đang mặc cả với người dân về tiền đền bù, Tungkuang (Hải Dương) còn chưa biết xử lý thế nào, vụ Miwon (Phú Thọ) sau một hồi bị đào xới vì xâm hại một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của cả nước nay im bặt một cách khó hiểu...

Chỉ trong năm 2009, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 4.545 vụ, 1.300 tổ chức, 3.128 cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường. Tại sao số vụ vi phạm môi trường liên tục tăng? Và khó hiểu hơn là tại sao cơ quan chức năng lại khó xử lý đến như thế?

Trả lời báo chí, ông Lương Minh Thảo - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường cho biết, ở nước ta chưa ai bị phạt tù về tội gây ô nhiễm môi trường. Chưa vụ vi phạm về gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất, làm lây lan dịch bệnh nào bị khởi tố. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính tối đa mới được điều chỉnh chỉ là 500 triệu đồng, không thấm tháp gì so với lợi nhuận từ việc các đơn vị, doanh nghiệp bỏ qua đầu tư hệ thống xử lý chất thải an toàn. Một trong những lý do là Nhà nước chưa có chế tài xử lý hình sự pháp nhân. Vụ Vedan nghiêm trọng như thế, song cơ quan chức năng cũng chỉ dừng ở việc phạt tiền và truy thu phí bảo vệ môi trường. Tungkuang dù đã tiêu diệt cả dòng sông song chắc chắn vẫn được hưởng... quyền miễn tố.

Ở góc độ lập pháp, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã đến mức trầm trọng, vì vậy phải gấp rút sửa đổi luật để có chế tài truy tố pháp nhân, cũng như quy định trách nhiệm hình sự của người đứng đầu pháp nhân.

Những hoạt động bề nổi, những tuyên bố, những cam kết trong Ngày Môi trường thế giới dù sao cũng có ý nghĩa về mặt tuyên truyền, dù sao cũng có tác động nhất định tới ý thức cộng đồng. Tuy nhiên, để môi trường sống không bị đầu độc bởi những hành vi âm thầm khác của người vi phạm thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải điều chỉnh. Trong đó, trước hết là việc cần sớm ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường, cùng với các chế tài xử lý đủ mạnh, đủ để răn đe những hành vi vi phạm.

Đội ngũ cán bộ chức năng làm công tác này cũng cần được rà soát và bố trí đủ lực lượng để có thể kiểm soát tốt địa bàn với mục tiêu hàng đầu là phòng ngừa những vi phạm, chứ không phải chỉ phát hiện những việc đã rồi và chạy theo như hiện nay. Trách nhiệm của lực lượng chức năng cũng cần phải được quy định rõ ràng để phòng ngừa những tiêu cực có thể xảy ra trong lĩnh vực này… Tất cả những công việc đó, có việc cần phải làm ngay, có việc phải tính toán tới lộ trình triển khai, có như vậy mới tránh được tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". Và, cần nhận thức rằng, trong việc bảo vệ môi trường, không phải điều gì đã mất đều có khả năng khôi phục. Nói cách khác là phòng bệnh vẫn tốt hơn là chờ có bệnh mới chữa.

Trung Hưng