Cần hành lang pháp lý

Kinh tế - Ngày đăng : 08:14, 05/06/2010

(HNM) - Bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) là mô hình kinh doanh chiến lược đem lại lợi ích cho cả 3 phía: khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và ngân hàng (NH). Với hình thức này, khách hàng mua bảo hiểm (BH) có thể dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm BH chất lượng cao; còn DN có thể tận dụng những lợi thế của đối tác để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một điểm giao dịch của Prudential Việt Nam.


Mô hình kinh doanh chiến lược
Những năm gần đây, hình thức liên kết giữa DNBH và NH dần trở nên phổ biến trong hoạt động kinh doanh BH. Trên thế giới, bancassurance là kênh phân phối phổ biến ở các quốc gia có thị trường BH phát triển. Mô hình này đã thành công ở nhiều quốc gia châu Âu và đã phổ biến ở Trung Quốc, Malaysia, Singapore... Mô hình này cũng được nhiều DNBH Việt Nam sử dụng và bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ.

Là DN chiếm thị phần lớn tại thị trường BH Việt Nam, Công ty BH nhân thọ Prudential rất coi trọng chiến lược hợp tác với các NH. Hiện, Prudential đã liên kết với 7 NH với các nội dung cụ thể, như tư vấn các gói sản phẩm BH và tiết kiệm dài hạn cho khách hàng; đào tạo, cấp chứng chỉ tư vấn sản phẩm BH Prudential cho nhân viên NH; bán sản phẩm BH nhân thọ kèm theo các khoản vay tín dụng và thế chấp... Đại diện Công ty BH nhân thọ Prudential Việt Nam cho biết, việc chào bán sản phẩm BH thông qua kênh NH sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho DN khi mở rộng thị trường. Prudential Việt Nam xác định, liên kết NH sẽ là một trong những hướng phát triển chiến lược của DN trong thời gian tới. Để thực hiện, Prudential đã có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho cả hai bên nhằm cung cấp những sản phẩm BH phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Với sự hợp tác của Bảo Việt nhân thọ và NH TMCP Sài Gòn (SCB), khách hàng tham gia gửi tiết kiệm sẽ được SCB mua tặng sản phẩm BH "An nghiệp Thành công" của Bảo Việt Nhân thọ. Số tiền BH cho mỗi sổ tiết kiệm bằng 50% số tiền gửi của khách hàng, mức BH tối đa cho mỗi khách hàng lên tới 1 tỷ đồng… Mới đây, Tập đoàn Bảo Việt và NH Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cũng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm phát triển dịch vụ bán BH nhân thọ và phi nhân thọ qua hệ thống NH. Đại diện Tập đoàn Bảo Việt cho rằng, việc hợp tác, liên doanh, liên kết giữa những tổng công ty, tập đoàn lớn trong nước là xu thế tất yếu nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng của mỗi bên, qua đó giúp các bên tham gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thiếu một hành lang pháp lý
Nhận xét về mô hình liên kết giữa DNBH và NH, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, mô hình liên kết này nếu phát triển mạnh sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho cả ba phía: khách hàng - DNBH và NH. Quan trọng hơn, mô hình này sẽ khắc phục được điểm yếu về nguồn nhân lực của ngành BH Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi gặt hái được những thành công, mô hình bancassurance cũng bộc lộ những nhược điểm cần sớm khắc phục. Theo ông Trịnh Thanh Hoan, các DNBH và NH vẫn thận trọng trước khi quyết định liên kết, bởi hiện nay chưa có văn bản pháp lý nào quy định và hướng dẫn chi tiết việc bán BH qua NH. Trên thực tế, sau khi liên kết, nhân viên NH sẽ bán BH theo phương thức kiêm nhiệm và không phải người nào cũng mặn mà với trách nhiệm này. Trong khi đó, nhân viên NH tham gia mô hình liên kết phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một đại lý BH do Bộ Tài chính quy định. Vì vậy, mặc dù 2009 được coi là năm thành công của mô hình bancassurance, song phần lớn các thương vụ hợp tác mới chỉ dừng lại ở mức "ngoại giao".

Việc xây dựng một hành lang pháp lý nhằm quản lý và đẩy mạnh sự phát triển bancassurance ở Việt Nam là rất cần thiết. Để tạo điều kiện cho mô hình này phát triển, Bộ Tài chính cần sớm ban hành các quy định cụ thể về việc sản phẩm BH nào được phân phối qua kênh NH; tiêu chuẩn đại lý; cơ chế chia sẻ, bảo mật thông tin và dữ liệu liên quan đến khách hàng giữa DNBH và NH...

Hương Ly