Nỗi lo mùa mưa!
Đời sống - Ngày đăng : 07:39, 05/06/2010
Với hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào 4 dự án chống ngập lớn là: Vệ sinh môi trường TP, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện môi trường nước, cải tạo rạch Hàng Bàng và hàng loạt công trình thoát nước khác như cống kiểm soát triều ở Cầu Bông, Bình Lợi; dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm… cơ quan chức năng đang kỳ vọng vào một TP hết ngập trong những năm tới. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng cho lập một dự án chống ngập với kinh phí lên tới gần 12.000 tỷ đồng để kiểm soát triều cho TP.
Tuy nhiên, trên thực tế, số điểm ngập năm sau đều cao hơn năm trước dù số tiền đầu tư mỗi năm mỗi nhiều. Nghiên cứu xuyên suốt quá trình chống ngập của TP, kỹ sư Vũ Đức Thắng (Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP) chỉ ra một nghịch cảnh: Đầu tư chống ngập càng nhiều thì ngập càng nặng hơn! Lấy mốc thời gian từ năm 2000, khi điểm ngập lên đến con số gần 100 thì TP bắt đầu rót vốn cho những dự án chống ngập. Đến năm 2001, TP xóa được 10 điểm ngập nhưng lại phát sinh 24 điểm mới; năm 2004 lại phát sinh tiếp, số điểm ngập là 91; năm 2005 xóa được 61 điểm ngập, lẽ ra con số ngập chỉ còn 30, thế nhưng vẫn còn 79 điểm ngập. Năm 2008, dù đã xóa được 26 điểm ngập, nhưng lại phát sinh ra tới… 96 điểm ngập mới; và năm 2009, TP có tới 170 điểm ngập!
Năm 2010, theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chống ngập nước, TP hiện có 163 điểm ngập ở tất cả các quận, huyện; trong đó có 96 điểm ngập thường xuyên và 67 điểm ngập do triều cường. Có nhiều điểm ngập nước "kinh niên" như đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Trãi… Kế hoạch của TP là sẽ xóa 40% số điểm ngập trong năm nay, và năm 2011 sẽ xóa hết 100% điểm ngập (!?).
Nguyên nhân chính: Quy hoạch không hợp lý?
Trong khi các nhà quản lý "động viên" người dân cố gắng chờ đợi thêm một thời gian nữa, khi các dự án trên hoàn thành, TP sẽ hết ngập, thì các nhà khoa học lại cảnh báo rằng tình trạng ngập sẽ ngày càng nhiều hơn, bởi nguyên nhân cơ bản gây ngập là quy hoạch sai lầm của TP đã không được nhìn nhận và giải quyết triệt để.
GS-TSKH Lê Huy Bá phân tích: Thay vì phát triển về vùng cao phía Đông - Đông Bắc thì TP Hồ Chí Minh lại chọn hướng ngược lại, chọn vùng đất thấp và ngăn đường thoát lũ! Trong khi hướng thoát lũ chính của TP là Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc xuống Nam, Tây Nam và Đông Nam thì TP lại mở rộng đô thị hiện đại ở vùng Nam Sài Gòn, Bình Chánh, Đông TP (quận 7, Nhà Bè). Chính vì sự sai lầm này mà những hồ điều hòa nước tự nhiên ở Nam Sài Gòn; các kênh rạch ở nội, ngoại thành đã bị san lấp không thương tiếc. TP Hồ Chí Minh có gần 700 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 1.000km, trong đó nhiều tuyến là đường thoát nước quan trọng. Thế nhưng, chỉ từ năm 1990 đến năm 2004 đã có khoảng 47 kênh rạch lớn nhỏ với tổng diện tích khoảng 16,42ha đã bị san lấp. Còn hiện nay, hệ thống các hồ điều tiết ít ỏi đó đã gần như "biến mất". Những hồ điều tiết được đề xuất giữ lại trong bản quy hoạch tổng thể mặt bằng TP Hồ Chí Minh định hướng đến năm 2020 đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ như hồ Bình Tiên (quận 6), chuỗi hồ khu vực Văn Thánh (quận Bình Thạnh)… cũng bị xóa sổ hoàn toàn. Chính vì vậy, nếu không nghiêm túc xem xét lại quy hoạch thì dù có đầu tư nhiều tỷ đồng chống ngập thì TP cũng không bao giờ hết ngập một cách bài bản, căn cơ. Bài toán ngập nước đô thị được giải theo các biện pháp tình thế như hiện nay chỉ làm cho nước chuyển từ gây ngập chỗ này sang gây ngập chỗ khác theo nguyên tắc nước chảy về vùng trũng.
Để giải quyết bài toán chống ngập một cách căn cơ, theo các nhà khoa học, bên cạnh các dự án chống ngập đang triển khai, TP cần cấm tuyệt đối san lấp kênh rạch và vùng trũng; xây hồ điều hòa dạng chìm chứa lượng nước chưa kịp tiêu thoát; hoàn chỉnh quy hoạch về thoát nước đô thị. Đặc biệt phải hạn chế tối đa đô thị hóa cao tầng ở vùng Đông Nam TP, đưa ra cốt nền xây dựng phù hợp có tính toán đến 15 năm nữa, không để xây dựng tràn lan như hiện nay.