Bài 1: Thiếu thước đo chất lượng

Giáo dục - Ngày đăng : 06:59, 05/06/2010

LTS:

Một giờ học của giảng viên và sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Linh Tâm


Chất lượng giáo dục đại học (CLGDĐH), một phạm trù được những người chuyên làm công tác đánh giá cho là rất khó định nghĩa và đo lường, vẫn chưa có thước đo. Bởi thế, trong khi có người cho rằng CLGDĐH chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển thì GS Nguyễn Xuân Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi lại đặt câu hỏi: Vậy thì ai là người làm ra thành tựu kinh tế - xã hội những năm qua nếu không phải là những con người - sản phẩm của chính nền GDĐH ?

Thước "ngoại": Xếp hạng?

Thông tin trong số 200 trường ĐH hàng đầu ở châu Á (theo xếp hạng mới đây của Tổ chức xếp hạng QS Times Higher Education - QS World University Rankings) không có trường ĐH nào của Việt Nam có lẽ không làm ai ngạc nhiên. Nhưng theo các chuyên gia thì xếp hạng cũng chỉ là một cách tiếp cận trong đánh giá chất lượng.

Xếp hạng các trường ĐH được tờ US News and World Report khởi đầu cách đây 20 năm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đòi hỏi có thông tin minh bạch hơn, có khả năng so sánh tốt hơn về các trường ĐH. Đến nay, việc xếp hạng đã trở thành hiện tượng có tính toàn cầu và là mối quan tâm lớn của báo chí, thị trường lao động, của sinh viên và của cả Chính phủ… Việc xếp hạng sẽ thúc đẩy các trường ĐH, nhất là các trường hàng đầu, phấn đấu để giữ được thứ hạng. Có lẽ vì thế, tuy là vấn đề gây tranh cãi nhưng xếp hạng vẫn tồn tại, phát triển và ngày càng được nhiều người quan tâm.

Điều khiến cho kết quả xếp hạng chưa được chính những người được đánh giá tâm phục, khẩu phục là bởi để xếp hạng cần phải đưa ra một chỉ số tổng hợp, trong khi đó chỉ số này là cái gì phụ thuộc rất lớn vào mục đích xếp hạng, quan niệm về chất lượng… Thực tế cho thấy, các hệ thống xếp hạng khác nhau có các định nghĩa khác nhau về chất lượng và sử dụng các chỉ số khác nhau. Thêm một vấn đề lớn nữa đối với xếp hạng là chất lượng dữ liệu và việc thu thập dữ liệu. Hiện có một thực tế là ở nhiều nơi, dữ liệu về các trường ĐH không tốt hoặc không được thu thập một cách nhất quán. Một chuyên gia về đánh giá chất lượng đã bình luận rằng, không phải là danh sách xếp hạng 200 trường mà có xếp hạng hàng nghìn trường thì vẫn không có tên trường ĐH nước ta bởi các trường làm gì có những con số thống kê đó!

Giờ thực hành của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Phương An


Thước "nội": Kiểm định?
Dẫu việc xếp hạng không phải là "thước đo" chuẩn CLGDĐH nhưng việc không có trường ĐH nào của Việt Nam có tên trong danh sách xếp hạng của các tổ chức đánh giá như THES, Guardian, Maclean, ĐH Giao thông Thượng Hải... và chỉ có 7 trường ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng của Webonetric cho thấy "tín hiệu" về chất lượng không cao của nền GDĐH của nước ta. Không cao nhưng thấp ở mức nào thì lại chưa có câu trả lời thấu đáo. Trong điều kiện đó, vấn đề kiểm định chất lượng có vai trò quan trọng và thời gian qua Bộ GD-ĐT đã rất nỗ lực để cái "thước nội" này tác động đến CLGDĐH. Song, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi giám sát tại các cơ sở đào tạo đầu năm nay thì hệ thống kiểm định CLGDĐH hình thành hơi chậm, hoạt động kiểm định chỉ mang tính thử nghiệm. Cho đến nay mới có 169 trong số 376 trường gửi báo cáo tự đánh giá với chất lượng sơ sài, mang tính hình thức và Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục mới tiến hành kiểm định được 20 trường và kết quả vẫn chưa được công bố.

Cũng giống như việc xếp hạng, các tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng là yếu tố quan trọng nhất cho việc kiểm định đạt mục tiêu mong muốn. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà khoa học và cả các cơ sở đào tạo, tiêu chuẩn chất lượng và các tiêu chí đang được dùng để kiểm định thiếu cụ thể, thậm chí có những tiêu chuẩn chẳng liên quan gì đến chất lượng đào tạo. Có người còn chỉ ra những tiêu chuẩn khá... quanh co, kiểu như tiêu chuẩn về chương trình giáo dục viết rằng "chương trình giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên được thiết kế theo quy định, bảo đảm chất lượng đào tạo"!

Thị trường lao động - thước đo chung?
Theo quan niệm đơn giản nhất, chất lượng đào tạo được đánh giá qua mức độ đạt được mục tiêu đào tạo đã đề ra đối với một chương trình đào tạo. Mục tiêu đào tạo là những năng lực cần đạt của sinh viên khi ra trường để thỏa mãn nhu cầu nguồn nhân lực. Đây cũng là một tiêu chuẩn khó định lượng chính xác nhưng người ta ghi nhận rằng danh tiếng của một trường thường gắn liền với sự thành đạt của sinh viên tốt nghiệp từ đó. Bởi thế, nhiều người cho rằng, thước đo chất lượng là tỷ lệ sinh viên có việc làm, sự hài lòng của doanh nghiệp hay cơ quan tuyển dụng, số sinh viên quay lại học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ... chứ không thể đánh giá chất lượng bằng việc căn cứ vào bảng điểm tốt nghiệp của sinh viên. Nhưng hiện nay, doanh nghiệp thì cho rằng, sinh viên ra trường đều phải đào tạo lại, còn cơ sở đào tạo lại phân tích, nhà trường chỉ trang bị cho người học kiến thức nền tảng vững chắc và khả năng nghiên cứu, không thể dạy đủ mọi thứ mà xã hội cần. Thêm nữa, sản phẩm của đào tạo phải đánh giá theo thời gian và nó sẽ càng ngày càng có giá trị.

Rõ ràng, đo chất lượng đã là nhu cầu và đòi hỏi bức thiết nhưng chưa có thước nên CLGDĐH vẫn là ẩn số.

Kim Thoa